Theo American Homefront, quả bom này đã trải qua 3/4 bước kích hoạt. Quả bom mạnh gấp 260 lần quả bom nguyên tử mà Mỹ từng thả xuống thành phố Hiroshima (Nhật Bản). Nếu phát nổ, nó có thể khiến hàng chục nghìn người chết và bụi phóng xạ bay đến tận New York.
“Giờ đây, các bạn sẽ có vịnh Bắc Carolina rất rộng lớn nếu quả bom đó phát nổ”, ông Jack Revelle – chuyên gia tìm kiếm và dỡ bỏ vũ khí Mỹ – nói.
Một quả bom hạt nhân khác không mở dù nên rơi xuống cánh đồng và chui sâu vào lòng đất nhão hơn 15m. Một số bộ phận của quả bom này đến nay vẫn chưa được tìm thấy.
4. Bom hạt nhân chìm xuống đáy Thái Bình Dương
Ngày 5/12/1965, tiêm kích A-4 “Sky Eagle” trên tàu sân bay Ticonderoga của Mỹ bị trượt từ dàn nâng xuống biển. Vụ việc xảy ra cách quần đảo Ryukyu (Nhật Bản) khoảng 130km và cách đảo Okinawa (nơi Mỹ đóng quân) khoảng 320km, theo Daily Mail.
Khi bị trượt xuống biển, tiêm kích A-4 của Mỹ mang theo một quả bom hạt nhân B-43 trong khoang. Quân đội Mỹ xác định quả bom hạt nhân cùng máy bay đã chìm xuống độ sâu 4.850 mét nên việc trục vớt gần như là không thể. Vụ việc đã gây ra một số cuộc biểu tình phản đối ở Nhật Bản.
Ở độ sâu gần 5.000 mét dưới đáy biển, không rõ quả bom đã bị sức ép của nước biển làm cho phát nổ hay chưa. Ngay cả khi bom chưa nổ thì với công nghệ ngày nay, việc trục vớt hay thăm dò quả bom vẫn là không thể.
4. Máy bay Mỹ chở 4 quả bom hạt nhân lao xuống biển Đan Mạch
Ngày 21/1/1968, máy bay B-52G Stratofortress của Mỹ, chở theo 4 quả bom hạt nhân đã lao xuống biển băng Wolstenholme Fjord, gần Greenland (Đan Mạch) – một trong những khu vực lạnh nhất trên Trái đất.
Không có vụ nổ hạt nhân nào, tuy nhiên, vụ tai nạn khiến 4 quả bom hạt nhân bị vỡ và rò rỉ chất phóng xạ ra môi trường biển, theo Airforce Times.
Đan Mạch nổi giận sau vụ việc. Giới chức Đan Mạch yêu cầu Mỹ bồi thường và dọn dẹp hiện trường tai nạn ngay lập tức. Tất cả mảnh vỡ bom hạt nhân và băng nhiễm phóng xạ phải được thu thập và chuyển tới Mỹ để xử lý. Washington đồng ý với yêu cầu của Copenhagen.
Theo Airforce Times, hầu hết bộ phận của 4 quả bom hạt nhân được thu thập, trừ một bộ phận chứa uranium (nhiên liệu được sử dụng để chế tạo bom hạt nhân). Tuy nhiên, nhiều đồn đoán cho rằng chỉ có 3 quả bom hạt nhân bị vỡ, một quả bom mất tích dưới đáy biển Greenland.
Năm 2008, BBC World Service (báo Anh) dẫn nguồn “tài liệu mật của Mỹ” đưa tin về vụ việc ở Greenland: “Tin đồn về một quả bom bị mất tích là đúng”. Theo BBC World Service, Mỹ từng điều một tàu ngầm để tìm kiếm vũ khí hạt nhân mất tích ở Greenland.
Tin tức của BBC World Service làm “rúng động” dư luận Đan Mạch, khiến Viện Nghiên cứu Quốc tế Đan Mạch phải vào cuộc điều tra.
Năm 2009, Viện Nghiên cứu Quốc tế Đan Mạch ra báo cáo kết luận. Theo đó, vùng biển Greenland “không có bom hạt nhân và người Mỹ cũng không tìm kiếm bom hạt nhân ở đó”.
Viện Nghiên cứu Quốc tế Đan Mạch cho biết, có “bằng chứng rõ ràng” cho thấy 4 quả bom hạt nhân đều bị vỡ sau khi rơi xuống biển.
5. Chìm tàu ngầm hạt nhân của Mỹ
Ngày 22/5/1968, tàu ngầm hạt nhân USS SSN-589 Scorpion của Mỹ chìm ở phía bắc Đại Tây Dương, cách đảo Azores của Tây Ban Nha khoảng 400 hải lý về tây nam. Nguyên nhân vụ chìm tàu đến nay vẫn là bí ẩn.
99 người thiệt mạng trong vụ chìm tàu ngầm Scorpion, bao gồm cả một nhóm nhà nghiên cứu người Nga. Điều này khiến Hải quân Mỹ gặp rắc rối lớn, theo Weare The Mighty.
Tàu ngầm Scorpion chìm dưới độ sâu khoảng 3.000 mét dưới đáy biển nên không thể trục vớt. Lõi phản ứng hạt nhân của con tàu và 2 ngư lôi Mark 45 mang đầu đạn hạt nhân W34 trên tàu bị kết luận là mất tích.
Mãi tới tháng 10/1968, người ta mới tìm thấy một số mảnh vỡ của tàu ngầm Scorpion.
Theo Weare The Mighty, Hải quân Mỹ đến nay vẫn theo dõi mức độ phóng xạ ở khu vực tàu ngầm Scorpion chìm. Hai quả ngư lôi Mark 45 được cho là vẫn nằm trong khoang chứa và chưa có dấu hiệu rò rỉ hạt nhân.
Ông Stephen Schwartz – chuyên gia nghiên cứu vũ khí hạt nhân ở Mỹ – cho hay, hầu hết các sự cố “mũi tên gãy” của quân đội Mỹ đều không dẫn tới vụ nổ hạt nhân.
“Vì điều đó, chúng ta nên biết ơn các kỹ sư vì đã thiết kế ra những hệ thống an toàn”, ông Schwartz nói.
“Nhưng chúng ta cũng nên ghi nhận công lao của thần may mắn”, ông Schwartz nói thêm.