Ngưỡng xét tuyển vào ngành Giáo dục Mầm non trình độ cao đẳng là 17 điểm đối với tổ hợp xét tuyển 3 môn văn hóa, các tổ hợp xét tuyển khác thực hiện theo quy định của Quy chế tuyển sinh hiện hành.
Điểm chuẩn và điểm sàn khác nhau thế nào?
Theo chia sẻ của nhiều thầy cô, chuyên gia tuyển sinh, mức điểm sàn nêu trên chỉ mang tính tham khảo và sẽ có sự chênh lệch khá lớn so với điểm chuẩn thực tế. Vậy nên, thí sinh cần phân biệt rõ điểm sàn và điểm chuẩn trúng tuyển để tránh những nhầm lẫn đáng tiếc, ảnh hưởng "sát sườn" đến quyền lợi của bản thân trong việc xét tuyển đại học cao đẳng.
Điểm sàn còn gọi là ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào, không phải điểm trúng tuyển (điểm chuẩn). Đây là mức điểm tối thiểu mà thí sinh cần có để đủ điều kiện nộp đăng ký xét tuyển vào ngành/trường đại học, cao đẳng. Điểm xét tuyển của các trường cũng không được thấp hơn điểm sàn.
Việc các trường đặt ra mức điểm sàn một mặt nhằm đáp ứng yêu cầu chất lượng đầu vào, hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng đào tạo, đồng thời giúp thí sinh có căn cứ để đăng ký nguyện vọng xét tuyển. Điểm sàn chỉ là điều kiện kỹ thuật, thí sinh phải sử dụng điểm chuẩn của các năm trước đó để tham chiếu, từ đó có những lựa chọn "sát sườn" nhất.
Ảnh minh họa
Còn điểm chuẩn là mức điểm thấp nhất của thí sinh trúng tuyển vào trường. Do vậy, rất khó để đoán định chính xác điểm chuẩn từng ngành ở thời điểm này. Để an toàn, thí sinh nên tham chiếu điểm chuẩn các năm trước, đặc biệt năm ngoái để cân nhắc việc sắp xếp nguyện vọng
Đặt thêm nguyện vọng phù hợp với khả năng hoặc tận dụng các phương thức xét tuyển khác là một điều cần thiết. Ngoài ra, thí sinh cũng nên lựa chọn những ngành có mức điểm chuẩn năm ngoái thấp hơn so với điểm thực tế năm nay của mình để dự phòng để nếu không trúng tuyển nguyện vọng 1, thí sinh còn cơ hội ở các nguyện vọng sau.