Sau Hiệp định Paris về Việt Nam (27/1/1973), tôi đang dạy học ở Quảng Ninh thì được điều động vào vùng giải phóng khu Trung Nam Bộ. Gọi là vùng giải phóng nhưng đó chỉ là những vùng rừng không dân mà chỉ có các cơ quan dân sự và nhiều đơn vị quân sự. Vùng rừng này có chỗ là đất của Campuchia, có chỗ của Việt Nam, lại cũng có chỗ chưa được minh định.
Vào đến miền Nam, chúng tôi trụ tại Lò Gò (Tây Ninh) trụ sở giáo dục của Trung ương cục miền Nam. Ở đây khoảng 2 tháng, các khu, tỉnh đến đón về với họ.
Một ngày đẹp trời, đoàn chúng tôi gồm 22 người, được đưa về Tiểu ban Giáo dục T2 (Khu Trung Nam Bộ đóng tại Campuchia). Trên đường về, bất ngờ nhận được tin dữ là đêm qua Tiểu ban đã bị Pol Pot đánh đuổi, nay chưa có chỗ ở, chúng tôi phải lánh nạn vào một đơn vị hậu cần. Hôm sau, chúng tôi quay về nơi ở cũ, tháng sau mới về được D2.
Thấy tôi gầy yếu nên tổ chức điều về Trường Trung cấp Sư phạm khu. Ban đầu chưa có học sinh, chúng tôi phải đi sản xuất tự túc (cuốc ruộng, cấy lúa).
Xin được nói thêm, Trường Trung cấp Sư phạm khu khai giảng khóa đầu tại tỉnh Bến Tre năm 1967, có 60 giáo sinh và 5 thầy cô. Trường học thời chiến nên luôn phải ở rừng và thường có biến động. Khi giặc đến ta chạy, giặc rút ta trở về, về không được thì đi chỗ khác. Đến năm tôi về công tác (1973), trường mới có 9 thầy cô. Có một dạo cứ khuya khuya địch lại bắn súng cối vèo vèo qua đầu, làm chúng tôi phải chui xuống hầm.
Sau đó ít ngày, tôi được điều sang dạy bổ túc văn hóa cho Trường Dân y khu. Đến trường này, tôi ở chung lán với bác sĩ Nguyễn Văn Thịnh, người Hà Nội, hơn tôi 3 tuổi đã vào đây từ năm 1967. Rừng ở đây rất nhiều củi nhưng nhà bếp không có người đi lấy, nên mỗi tuần chúng tôi phải lấy một vác củi về.
Một hôm, tôi thấy anh bộ đội tìm đến, tự xưng là Hoàn, em ruột bác Điệp, bác dâu tôi. Anh Hoàn bấy giờ là thiếu úy, Đại đội trưởng, có lính lái xe Honda tên Nguyễn Văn Huê. Hoàn kể, lần đầu gặp biết thủ trưởng quê Hà Bắc, Huê khoe: “Em cũng có một thầy giáo quê Hà Bắc”. “Thầy giáo cậu tên là gì?”. “Dạ, tên là Hiểu”. “Thế thì thầy giáo cậu là người nhà của tôi đấy”...
Một buổi trưa, tôi đang tắm giặt ở bên này trảng cỏ rộng thì ở đường bên kia Huê lái Honda chạy qua. Tôi thấy Huê quay ra hỏi Hoàn và chỉ tay về phía mình rồi tiến lại. Thầy trò lâu mới gặp nhau, lại ở chiến trường, mừng quá, chuyện trò mãi không dứt. Huê kể, các bạn Phạm Văn Đen, Phùng Văn Luận và Vũ Văn Hợi đã hy sinh, làm tôi rất cảm động và vô cùng thương tiếc, rồi hình ảnh những em học sinh ấy cứ hiện dần lên trước mắt. Ngày đó, tôi còn là Bí thư Đoàn Thanh niên trường, đã ký quyết định kết nạp các em vào Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam trước khi chúng đi bộ đội.
Chương trình học ở Trường Dân y không có sách giáo khoa và trình độ học vấn của học viên cũng rất chênh lệch, người thì lớp 4, 5; người lớp 11, 12 nên dạy phải sáng tạo. Cũng chính vì thế mà giáo viên tìm được bài gì dạy bài ấy và muốn dạy mấy tiết theo ý mình thì dạy. Dạy văn thế mới thú, nên tôi đã gây được nhiều ấn tượng sâu sắc cho học viên. Tiêu biểu là lần tôi dạy bài hồi ký của bà Hồ Thị Bi kể thời đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp bà vừa sinh một đứa con nhỏ. Thoát ly gia đình đi hoạt động không thể đem con đi được, bà đành gửi ở nhà nhờ người nuôi giúp. Hồi ký của bà còn có rất nhiều chi tiết cảm động về tình mẹ con. Học viên lớp tôi nhiều chị cũng rơi vào hoàn cảnh như thế nên bài này như mũi kim chạm vào cõi lòng mẫu tử sâu kín, làm ai nấy sụt sùi. Chị Mười Tốt khóc hu hu, bỏ lớp chạy về lán.
***
Nghị quyết của Khu ủy khu Tám mà chúng tôi được học là: Năm 1974, ta sẽ giành lại được phần dân, phần đất bằng trước khi ký Hiệp định Paris năm 1973; năm 1975 bằng năm Mậu Thân 1968 để làm đà cho những năm sau. Nhưng mới sang đầu năm 1975 ta thắng lớn, địch thua to quá. Đầu tháng 4, ta ồ ạt tấn công. Nhiều đêm nghe thấy tiếng xe tăng chạy ầm ì, tôi mở radio để nghe tin tức, nghe đài Hà Nội và cả đài Sài Gòn. Tôi nghe được tường thuật toàn bộ buổi lễ từ chức của Nguyễn Văn Thiệu, đồng thời cũng là buổi nhậm chức của Trần Văn Hương. Thiệu nói toàn những lời bực tức, oán trách và thất vọng, chán chường. Còn Hương thì hung hăng hiếu chiến rằng hãy đánh đến viên đạn cuối cùng, hạt gạo cuối cùng; cái nắm xương khô này sẽ nằm bên xác các chiến sĩ. Bảy ngày sau lại nghe buổi từ chức của Trần Văn Hương, cũng là buổi nhậm chức của Dương Văn Minh. Tại buổi lễ này, Hương thừa nhận sự bất lực của mình còn Dương Văn Minh chỉ kêu gọi anh em binh lính hãy giữ nguyên phần dân, phần đất của mình. Đặc biệt, đêm 28/4 tôi nghe thấy tiếng máy bay ầm ĩ, sau này mới biết đó là máy bay đưa gia đình quan chức Việt Nam Cộng hòa đi di tản.
Sáng 30/4/1975, tại một cái lán của Trường Dân y, tôi vừa chuẩn bị bài vở, vừa nghe tin tức đài phát thanh của ngụy quyền Sài Gòn. Mọi ngày đài này rêu rao hăng lắm đột nhiên hôm nay xẹp hẳn, giọng phát thanh viên nghe rất buồn và yếu. Khoảng 9 giờ, đài ngừng phát mấy giây, rồi nói tiếp, giọng vẫn yếu và buồn: “Mời đồng bào mở sẵn máy thu thanh và truyền hình để nghe tin tức đặc biệt”. Sau đấy là những bài hát và những bản nhạc vàng rời rạc, buồn bã nối tiếp phát ra liên tục mà không có lời giới thiệu nào. Điều này cũng rất khác mọi ngày. Ngừng mấy giây, rồi lại lặp lại câu nói buồn bã lúc trước: “Mời đồng bào...”, rồi lại hát và lặp lại cái câu: “Mời đồng bào...”. Tôi lấy làm lạ, liền vặn to máy nghe cho rõ. Bỗng đài ngừng hát lâu hơn, không có lời giới thiệu, một giọng đàn ông buồn bã nói yếu ớt đại ý: “Tôi Dương Văn Minh, Tổng thống Việt Nam Cộng hòa xin đầu hàng, mời Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Mặt trận Giải phóng vào nhận bàn giao...”. Rồi đài lại phát lại những bài hát và những bản nhạc rời rạc, nhạt nhẽo, yếu đuối như lúc trước. Nghe xong, tôi sung sướng đến rơi nước mắt, vội nhảy cẫng lên, ba chân bốn cẳng giẫm đạp lên rào gai lao vọt sang lán bên cách chỗ tôi chừng mười mét báo tin này cho anh Tư Thân, Bí thư Chi bộ, Hiệu phó nhà trường biết. Anh Tư Thân bình tĩnh bảo: “Không biết là nó chịu đầu hàng thật hay giả. Hãy cảnh giác với nó đấy”. Nghe anh Tư Thân nên tôi không dám báo cho ai biết cái tin vừa nghe được. Hơn 12 giờ trưa, tôi lên lớp dạy như thường. Dạy được chừng mười lăm phút, tôi nghe từ phía sau bục giảng có người gọi nhỏ: “Thầy Hai, thầy Hai!”. Tôi ngoảnh lại thì thấy anh Tám Tiền, cán bộ tổ chức nhà trường đứng đó. Anh Tám nói luôn: “Thầy cho tôi thông báo bức điện của Khu ủy về việc Dương Văn Minh đầu hàng”. Tôi nói: “Xin mời anh”. Lúc anh Tám đọc, cả lớp ngồi im như nín thở.
Thấy giải phóng miền Nam nhanh quá nằm ngoài sức tưởng tượng lâu nay của nhiều người nên anh vừa dứt lời hơn bảy chục học viên của tôi toàn người lớn tuổi hò reo, hát múa rầm lên như suối reo, thác đổ. Người đứng, người ngồi, dốc hết nội lực ra nói, cười, vỗ tay, đập bàn, đập ghế, tung khăn, tung mũ kéo dài hàng tiếng đồng hồ. Có người xúc động bất ngờ khóc hu hu. Một số người cao hứng, sẵn súng bên mình hướng nòng lên trời nhả đạn “đoàng đoàng”, gây náo động cả khu rừng. Đây là buổi dạy học đặc biệt độc đáo trong cuộc đời làm thầy giáo của tôi. Chương trình khóa học chưa hết nhưng đến đây coi như kết thúc. Hôm sau, thầy trò chúng tôi nhận lệnh kéo về tiếp quản các tỉnh trong khu với niềm vui khôn tả.
Từ Trường Dân y, chúng tôi đi xuồng máy cô le mất nửa ngày xuôi xuống hạ lưu sông Vàm Cỏ Đông. Đến Bến Gia (Tây Ninh) thì lên bờ chờ ô tô đến đón. Chúng tôi đi xe đò qua thị xã Tây Ninh theo lộ Nam Hàn về tiếp quản Mỹ Tho, Gò Công. Xe đi đến đâu, chúng tôi thấy cái mới lạ đến sững sờ của đô thị miền Nam đến đó. Cái mới lạ đập ngay vào mắt là những biển quảng cáo các mặt hàng tiêu dùng rất cao to, hoành tráng, dựng ở hai bên đường cách xa nửa cây số đã nhìn thấy. Nào là quảng cáo sữa Ông Thọ, nào là quảng cáo kem đánh răng, nào là quảng cáo thuốc lá… Cái nào cũng cao to màu mè xanh, đỏ, tím, vàng rất bắt mắt mà từ bé đến giờ mới nhìn thấy.
Về đến xã Long Định (Châu Thành, Mỹ Tho) thì dừng lại và chúng tôi phải ở nhờ nhà dân. Chỉ ở đó ba bốn ngày, tôi giã từ Trường Dân y trở về Sở Giáo dục trong thành phố Mỹ Tho. Về đây ít ngày, tôi được kết nạp Đảng và nhận quyết định tặng thưởng Huy chương của Chủ tịch Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam Huỳnh Tấn Phát.