Ngoài những vấn đề liên quan đến cơ sở vật chất và chất lượng giáo dục, một thách thức khác mà chính quyền ông Kejriwal phải đối mặt là sự thiếu tin tưởng của học sinh, giáo viên và phụ huynh đối với ngành giáo dục địa phương.
Để lấy lại niềm tin trong xã hội, năm 2016, New Delhi thành lập các ủy ban quản lý trường học, hội phụ huynh học sinh, công đoàn giáo viên... Những tổ chức này là “cầu nối” giữa nhà trường với chính quyền địa phương, đồng thời giám sát hoạt động của ngành giáo dục.
Bên cạnh đó, các trường công lập phải tổ chức họp hàng tháng. Ở đó, hiệu trưởng và giáo viên sẽ thảo luận công khai về thành tích và các vấn đề tồn đọng, đồng thời đề xuất mua mới hoặc sửa chữa cơ sở vật chất, trang thiết bị. Chính quyền cho phép chuyển giáo viên hợp đồng sang giáo viên trong biên chế để giải quyết tình trạng thiếu giáo viên công lập.
Cùng năm, chính quyền New Delhi tổ chức các buổi tập huấn cho hơn 25 nghìn giáo viên công lập. Nội dung thảo luận tập trung vào phương pháp xây dựng sự kết nối giữa giáo viên và học sinh. Giáo viên được khuyến khích nói chuyện với học sinh về hoàn cảnh gia đình, từ đó hiểu được những thuận lợi và khó khăn khi học sinh tiếp cận giáo dục.
Từng tham gia khoá tập huấn, giáo viên Anita Singh chia sẻ: “Các khóa học giúp tôi cảm thấy được trao quyền trong giáo dục. Tôi cũng nhận thấy giáo dục và thực tế vốn song hành với nhau. Nếu giáo viên không chia sẻ và đồng cảm với thực tế hoàn cảnh của học sinh, họ không thể thuyết phục học sinh tin rằng giáo dục sẽ giúp các em thay đổi”.
Sau đó một năm, mỗi trường công lập được cử một giáo viên đại diện tham gia khoá bồi dưỡng năng lực, nghiệp vụ tại các cơ sở giáo dục hàng đầu thế giới như Trường Đại học Cambridge (Anh), Học viện Giáo dục Quốc gia Singapore (Singapore). Chi phí do địa phương chi trả.
Hiệu trưởng Trường Sarvodaya Vidyalaya, Atul Kumar, từng được tham gia khoá đào tạo kéo dài một tuần ở London, Anh, chia sẻ: “Chúng tôi được tiếp xúc với các chuyên gia giáo dục hàng đầu thế giới và cảm thấy tự tin hơn”.
Một tiết học tại Trường Sarvodaya Vidyalaya, New Delhi, Ấn Độ. |
Ngay từ những ngày đầu nắm quyền New Delhi, đảng Aam Aadmi đã phát đi thông điệp mạnh mẽ rằng trường học là tài sản quốc gia, giáo viên là những viên ngọc quý và học sinh là báu vật của đất nước. Chăm lo cho giáo dục là mục tiêu hàng đầu của quan chức địa phương.
Chuyên gia giáo dục PADMA SARANGAPANI (Viện Khoa học Xã hội Tata, Mumbai)
Sau hơn 1/2 thập kỷ, hệ thống giáo dục New Delhi đã có những chuyển biến tích cực. Các trường học New Delhi vẫn đang trong quá trình hoàn thiện. Tỷ lệ học sinh trên giáo viên ở một số trường học còn nằm ở mức cao. Nhiều toà nhà cần được tu sửa. Nhưng mục tiêu của Thủ hiến Kejriwal đã dần hiện hữu.
Theo khảo sát của Bộ Giáo dục Ấn Độ năm 2017 và 2021, ở các môn Tiếng Anh, Khoa học Tự nhiên, Khoa học Xã hội, học sinh New Delhi đạt điểm số cao hơn đáng kể so với các bạn trên toàn quốc. Trong 5 năm qua, 250 nghìn học sinh tại các trường tư ở New Delhi đã chuyển sang trường công lập.
Sự thay đổi tích cực của ngành Giáo dục New Delhi, còn được gọi là “mô hình Delhi”, đang trở thành tấm gương cho nhiều địa phương tại Ấn Độ. Các bang khác như Telangana, Tamil Nadu đã yêu cầu ngành giáo dục địa phương học tập “mô hình Delhi” nhằm cải thiện chất lượng giáo dục.
Tuy nhiên, những thách thức vẫn còn. Nhiều giáo viên công lập tại New Delhi phản ánh tiền lương và phúc lợi đã không tăng trong nhiều năm. Ngoài ra, việc đưa học sinh trở lại trường sau 2 năm dịch Covid-19 cũng gặp không ít khó khăn.
Đơn cử, tại Trường Sarvodaya Vidyalaya, trong 2 năm dịch, khoảng 150 học sinh đã bỏ học. Một số em đã trở lại trường nhưng “quên cách viết tên”. Nhưng ánh sáng của tri thức không lụi tàn và vẫn ngày một bùng sáng mạnh mẽ.
Sau nhiều giờ thu gom phế liệu để phụ giúp gia đình, nam sinh Paswan trở về nhà vào lúc 1 giờ sáng. Cơ thể mệt mỏi, đôi mắt đỏ ngầu nhưng thay vì thả mình lên chiếc giường êm ái, Paswan mở cuốn vở môn Tiếng Phạn ra và bắt đầu đọc. “Trường học đang giúp em tìm kiếm một công việc được tôn trọng và giúp em tin rằng mình có thể làm những điều lớn lao. Vì vậy, dù mệt mỏi, em không cho phép bản thân được lười biếng”, Pawsan bày tỏ.