![]() |
GS.TS Nguyễn Văn Minh phát biểu tại Lễ bế giảng và trao bằng cử nhân khoa học năm 2023. |
Trọng trách của những người làm giáo dục là đồng hành để thay đổi tốt hơn đến mỗi con người, đến từng số phận.
GS.TS Nguyễn Văn Minh.
Theo lãnh đạo Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, chúng ta không thể thờ ơ với những thành công của công nghệ. Nếu không ta mãi mãi đi sau, nhưng xin nhớ rằng, một con người thiếu đi tình yêu thương thì tương lai trở thành bất định.
Trước hết, dạy cho trẻ cách ứng xử trong môi trường số sao cho đúng mức và văn minh trước khi dạy các em làm những điều cao siêu hơn thế. Đừng để tiến bộ của công nghệ trở thành nỗi sợ hãi ám ảnh trong mỗi gia đình và trong hoảng loạn của mỗi con người.
Các em hãy là người bảo vệ tuổi thơ cho trẻ. Đừng để việc học đánh mất sự ngây thơ của trẻ. Các em nhắn với phụ huynh rằng, tuổi thơ là tuổi thần tiên. Hãy hỏi trẻ đi học có vui không thay vì hỏi hôm nay con được bao nhiêu điểm?
Đừng để trẻ con mơ ước chúng trở thành chiếc điện thoại thông minh vì cha mẹ chúng dành nhiều thời gian cho màn hình điện thoại hơn dành cho chúng.
Thêm một nhúm kiến thức không trở thành người nổi tiếng, bồi đắp thêm tình yêu thương với con người, với thiên nhiên, làng xóm là bệ phóng của tương lai. Đánh mất sự hồn nhiên, trong sáng của trẻ thơ là có tội. Nguyên sơ là gốc thánh thiện của con người.
Hãy gạt bỏ tư tưởng biến đứa trẻ thành chuyên gia xuất sắc mà luôn nhớ rằng, giáo dục trẻ để chúng biết yêu thương, quan tâm, sẻ chia với những người gần gũi. Nhắn với phụ huynh rằng, đừng bắt con cái mình “chín ép” và trở thành công cụ thực hiện tham vọng của mình.
Sức mạnh của giáo dục là cảm hóa và phải bắt đầu từ cảm hóa chứ không phải bắt đầu bằng trừng phạt, hành hình. Cảm hóa bắt đầu bằng tình yêu thương và tha thứ; bằng những thấu hiểu để chạm đến con tim, để khơi lên gốc sâu của lòng trắc ẩn. Một cái nắm tay khi người ta bất lực hơn vạn lần những buổi liên hoan.
GS.TS Nguyễn Văn Minh chia sẻ, mai này ra đời, thu nhập của các em vẫn còn khiêm tốn, vẫn phải lo cái ăn, cái mặc, phải chạy vạy sớm hôm. Ai cũng biết, khi người thầy sống trong điều kiện thiếu thốn giữa một môi trường có mức sống trung bình cao hơn thì làm sao mà toàn tâm toàn ý cho công việc của mình.
Nhưng ngày một, ngày hai cũng khó lòng có được. Chúng ta mong rằng, thay vì rầm rộ tuyên dương, thay vì những lời ngợi ca cao quý, hãy có những quyết sách sát sườn với nhà giáo để họ dành hết tâm sức cho công việc mà họ đau đáu cả đời.
Ngày mai các em ra với cuộc đời. Đừng bao giờ ảo tưởng đó là nơi của bình yên, là nơi thỏa sức để mình làm tất cả. Nơi đó có những điều tốt đẹp, nhưng nơi đó cũng có những đố kỵ, nhỏ nhen.
Nơi đó cũng không thiếu những gì cạm bẫy, nhưng đó là cuộc sống, không ai chạy trốn được mà hãy đối diện với nó. Chỉ làm việc tốt thì mới đẩy lùi cái xấu, chứ không thể lập tức xóa đi cái xấu.
Nơi đó cần bản lĩnh, cần kiên trì và cần cả thời gian. “Thầy tin các em, những sinh viên của thầy, những người có ý chí, có tình cảm và trách nhiệm sẽ sẵn sàng dấn thân và làm được” – GS.TS Nguyễn Văn Minh bày tỏ.