Tại CQĐT, cả hai người con gái ông Thanh không thừa nhận phạm tội, chỉ thừa nhận việc mua bán cổ phần. CQĐT cho rằng với hồ sơ tài liệu, chứng cứ thu thập được, đủ căn cứ xác định hành vi của 2 bị can.
CQĐT cũng xác định rằng hai con gái ông Thanh có nhân thân tốt, phạm tội lần đầu và có nhiều đóng góp phát triển kinh tế, xã hội, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động. Việc vi phạm là do thực hiện theo chỉ đạo của bố đẻ nên cần xem xét khi lượng hình.
Tích cực môi giới để hưởng lợi
Liên quan vụ án, còn có một số cá nhân môi giới việc vay tiền. Trong đó, người môi giới được nhiều tiền nhất là ông Nguyễn Hoàng Phủ (ở TP.HCM), đã môi giới thành công 3 khoản vay lớn.
Ông Phủ có trình độ đại học, có kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực môi giới, đầu tư bất động sản, có hiểu biết pháp luật và đã tích cực tham gia môi giới cho vay để được hưởng tiền công.
Cụ thể, ông Phủ đã môi giới cho bà Đặng Thị Kim Oanh vay 350 tỉ đồng và được hưởng phí môi giới 5% (tương đương 14,6 tỉ đồng).
Sau khoản vay này, ông Phủ còn môi giới cho bà Oanh vay tiếp khoản tiền 150 tỉ đồng và nhận phí môi giới 5% (tương đương 6 tỉ đồng)
Lần thứ 3, ông Phủ môi giới cho ông Lâm Sơn Hoàng vay 115 tỉ đồng và được ông Lâm Sơn Hoàng trả công môi giới là 3 tỉ đồng.
Một môi giới khác, ông Đoàn Nguyễn Minh Hoàng (ở TP.HCM) môi giới cho anh Nguyễn Huy Đông vay 80 tỉ đồng của ông Trần Quý Thanh để được nhận 2,5 tỉ đồng tiền công môi giới.
Còn ông Nguyễn Phi Long (ở TP.HCM) môi giới cho anh Nguyễn Văn Chung vay 35 tỉ đồng để trả nợ. Nhờ phi vụ này, ông Long được trả công môi giới 700 triệu đồng.
Hành vi của những cá nhân này có dấu hiệu của tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản với vai trò giúp sức cho ông Trần Quý Thanh và các con gái. Tuy nhiên, do họ không biết mục đích của ông Thanh, không biết việc chiếm đoạt tài sản nên CQĐT xác định hành vi của họ chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm.