Những người thầy đưa Hoàng Sa vào trường học

Hà Nguyên | 30/04/2022, 10:02
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Hai thầy gáo sưu tầm nhiều tư liệu, hiện vật liên quan đến biển đảo và chủ quyền thiêng liêng của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa để giáo dục học sinh.

Học sinh Trường THPT Võ Chí Công (Đà Nẵng) với giờ học Lịch sử tại Nhà trưng bày Hoàng Sa.Học sinh Trường THPT Võ Chí Công (Đà Nẵng) với giờ học Lịch sử tại Nhà trưng bày Hoàng Sa.

Ngay từ năm 2007, với sự đầu tư cả về thời gian lẫn tâm huyết, thầy Phan Văn Tánh (Đà Nẵng) và thầy Trần Văn Vàng (Quảng Ngãi) đã sưu tầm nhiều tư liệu, hiện vật để học sinh được tiếp cận thông tin liên quan đến biển đảo và chủ quyền thiêng liêng của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa một cách chính thống và không bị đứt đoạn.

“Viên gạch hồng”từ quê hươngHải đội Hoàng Sa

Thầy giáo Trần Văn Vàng.
Để có thể sử dụng những dữ liệu phù hợp liên quan đến quần đảo Hoàng Sa – Trường Sa vào một số môn học trong chương trình THCS, thầy Trần Văn Vàng đã dành thời gian đọc sách giáo khoa các môn học khác. Theo thầy Vàng, việc tích hợp phải thật tự nhiên và có liên hệ mật thiết chứ không thể thực hiện một cách cơ học và gượng ép. “Như với môn Ngữ văn, có thể tích hợp vào các bài như “Sông núi nước Nam”, “Quê hương”, “Đoàn thuyền đánh cá”… thông qua những nội dung như chủ quyền, tình cảm quê hương hay hình ảnh đoàn thuyền đánh cá trên ngư trường truyền thống. Với môn Địa lý, bài Vùng biển Việt Nam có thể tích hợp các kiến thức về vùng đặc quyền kinh tế, quyền chủ quyền và việc đấu tranh theo luật pháp quốc tế khi liên hệ với sự kiện Trung Quốc đưa giàn khoan 981 vào biển Đông năm 2014.

Năm 2019, thầy Trần Văn Vàng - Trường THCS Đức Chánh (huyện Mộ Đức, Quảng Ngãi) nghỉ hưu. Cũng năm này, đề tài Những bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý về Hoàng Sa, Trường Sa để giáo dục chủ quyền biển đảo cho học sinh bậc THCS của thầy đoạt giải Nhì trong lĩnh vực giáo dục tại Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật tỉnh Quảng Ngãi.

Đề tài là kết tinh những tâm huyết, tìm tòi, khảo cứu của người thầy giáo vẫn luôn đau đáu với một phần máu thịt của Tổ quốc bị chia lìa.

Năm 2007, khi là Tổ trưởng Tổ Lịch sử - Địa lý và Giáo dục công dân của Trường THCS Đức Chánh, thầy Vàng được phân công biên soạn các bài học phần lịch sử địa phương cho chương trình từ lớp 6 - 9.

“Nhận nhiệm vụ, tôi áp lực lắm. Quảng Ngãi là quê hương của đội hùng binh Hoàng Sa. Hàng nghìn ngư dân Quảng Ngãi vừa mưu sinh trên vùng biển Hoàng Sa, vừa làm “cột mốc” biên giới trên biển. Tất cả những điều đó đã thôi thúc tôi phải dành nhiều thời gian cho việc nghiên cứu, biên soạn”, thầy Vàng nhớ lại.

Nhưng những bài học có liên quan đến chủ quyền biển đảo, không thể chỉ dựa vào cảm xúc để dạy. Phải làm sao để học sinh có thể trả lời được câu hỏi: Những cơ sở nào để khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam?

Thế nhưng, như chia sẻ của thầy Vàng, thời điểm năm 2007, các tư liệu chính thống về Hoàng Sa, Trường Sa được xuất bản khá ít ỏi, một số khác thì nằm ngoài khả năng tiếp cận của một thầy giáo làng.

“Tôi tìm một hướng đi khác, đó là tự mình ra đảo Lý Sơn để tìm hiểu về Hải đội Hoàng Sa, lễ khao lề thế lính Hoàng Sa, tìm gặp những hậu duệ của Phạm Hữu Nhật – người phụng mệnh triều đình nhà Nguyễn ra khẳng định chủ quyền tại quần đảo Hoàng Sa. Các hiện vật, tư liệu, bản đồ, sắc phong… có liên quan đến chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa tôi đều chụp lại để làm hình ảnh trực quan cho học sinh”, thầy Vàng kể.

Trong một năm ròng, thầy Vàng có nhiều chuyến trở lại Lý Sơn, lục tìm trong các bảo tàng, các nhà thờ tiền nhân ở Quảng Ngãi, nhờ đến sự giúp đỡ của những nhà nghiên cứu lịch sử, ra tận Đà Nẵng, tìm đến UBND huyện Hoàng Sa để củng cố thêm hệ thống dữ liệu lịch sử.

Với rất nhiều tâm huyết của thầy giáo Trần Văn Vàng, năm 2008, bài học Nhân dân Quảng Ngãi với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa đã được giảng dạy ở tiết 56 của môn Lịch sử lớp 7 trên toàn huyện Mộ Đức, sau khi đã được Ban Tuyên giáo huyện thẩm định. Lần đầu tiên tại Quảng Ngãi, Hoàng Sa được đưa vào chương trình dạy học chính thức.

Không bằng lòng với những gì đã làm, những năm sau đó, thầy Trần Văn Vàng tiếp tục ngiên cứu tài liệu lịch sử, cập nhật thời sự, chọn lọc những câu chuyện của ngư dân đang mưu sinh tại vùng biển Hoàng Sa để bổ sung vào bài học.

Thầy Vàng chia sẻ: “Để học sinh nắm vững bài học, thầy cô giáo không chỉ đơn thuần là cung cấp dữ kiện, mà phải cùng các em tìm cách lý giải vì sao có những dữ kiện ấy.

Chẳng hạn như vì sao lại chọn thời điểm tháng 3 âm lịch hàng năm để tổ chức Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa? Vì sao có đội Hoàng Sa kiêm quản Hải Bắc? Hệ thống những câu hỏi sẽ giúp cho học sinh nắm được quá trình xác lập và thực thi chủ quyền của Việt Nam ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa như thế nào”.

Năm 2013, bài giảng về Hoàng Sa của thầy giáo Trần Văn Vàng đã được bổ sung thêm bản đồ Trung Quốc thời nhà Thanh vào bài học để khẳng định cực Nam của Trung Quốc chỉ đến đảo Hải Nam.

Đến năm học 2014 – 2015, bài học Quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam đã được đưa vào giảng dạy trên toàn tỉnh Quảng Ngãi. Những tư liệu có liên quan mà thầy Vàng xây dựng được các giáo viên đưa vào dạy học tích hợp ở các môn Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân ở những bài có nội dung liên quan.

Lịch sử trong dòng chảy hiện tại

Thầy giáo Phan Văn Tánh.

Từ năm học 2009 - 2010, trong từng lớp học của Trường THPT Ngũ Hành Sơn (TP Đà Nẵng) đều dán câu khẩu hiệu “Hoàng Sa – Trường Sa là của Việt Nam” để nhắc nhớ học sinh về chủ quyền biển đảo.

Thầy Phan Văn Tánh – lúc đó là Hiệu trưởng nhà trường - cho biết: “Lịch sử không chỉ là những trang sách mà phải chảy cùng với dòng chảy của hiện tại. Phải làm sao để học sinh tự hào, gắn bó thêm với quê hương xứ sở bắt đầu từ những gì rất gần gũi, như tên đường phố, tên làng mình sống cho đến những thông tin cơ bản về lịch sử quê hương”.

Vì vậy, trong tuyên truyền về chủ quyền biển đảo, thầy Tánh luôn tìm cách thực hiện sao cho linh hoạt, phong phú về mặt hình thức nhưng học sinh phải được tiếp cận những thông tin chính thống và không bị đứt đoạn.

Năm học 2012 - 2013, thầy trò Trường THPT Ngũ Hành Sơn đã có chương trình học ngoại khóa rất ấn tượng và nhiều ý nghĩa với chuỗi chương trình tuyên truyền về biển đảo Việt Nam.

Sau cuộc thi tìm hiểu về Hoàng Sa, Trường Sa, nhà trường quyết định tổ chức một đợt triển lãm với nguồn tư liệu do chính tập thể học sinh và giáo viên nhà trường sưu tầm được. Nhà trường dành một phòng trưng bày với nhiều mảng như tranh ảnh, các bài báo, sách, mô hình… phản ánh về đời sống, sinh hoạt của quân và dân trên đảo.

Nhiều tư liệu, hiện vật thể hiện sự đầu tư cả về thời gian lẫn tâm huyết của cả thầy và trò. Bộ sưu tập của thầy Phan Văn Tánh với nhiều hình ảnh và tư liệu quý có từ trước ngày miền Nam được hoàn toàn giải phóng.

Hay Mô hình Chủ quyền về Hoàng Sa và Trường Sa của tập thể học sinh lớp 12/6 được làm rất đẹp và công phu với các hòn đá biểu tượng cho các đảo và quần đảo của Việt Nam.

Em Hoài Nhớ, một trong những thành viên tham gia vẽ bản đồ, cho biết: “Nhờ được tiếp nhận kiến thức về vấn đề này, em và các bạn đã hiểu được chủ quyền về biển đảo. Bây giờ đứng trước tấm bản đồ, tụi em đã tự tin để biết vị trí của các tỉnh cũng như các quần đảo thuộc chủ quyền đất nước mình trên biển Đông”.

Học sinh Trường THPT Ngũ Hành Sơn (năm học 2012 – 2013) xem các tài liệu được trưng bày tại triển lãm Hoàng Sa – Trường Sa do nhà trường tổ chức. Ảnh tư liệu

Để có được phòng trưng bày với gần 1.000 tranh, ảnh, bài viết, sách… có liên quan về vấn đề chủ quyền biển, đảo, nhà trường đã thành lập tổ hướng dẫn gồm các giáo viên bộ môn Lịch sử cùng với Ban giám hiệu và Đoàn trường tổ chức cho các em đi tham quan các bảo tàng trong thành phố, gặp các cựu chiến binh từng chiến đấu ở Hoàng Sa và Trường Sa; chiếu các bộ phim liên quan đến biển đảo… để khơi gợi hứng thú cũng như việc ham tìm tòi của các em.

Khi về làm Hiệu trưởng Trường THPT Hoàng Hoa Thám, trong chương trình giáo dục về biển đảo, về Hoàng Sa, Trường Sa, thầy Phan Văn Tánh đã cùng Đoàn Trường THPT Hoàng Hoa Thám tổ chức cho học sinh đến thăm gia đình các liệt sĩ hy sinh tại đảo Gạc Ma.

Những bài viết thu hoạch sau chuyến đi thực tế cho thấy học sinh có cảm nhận rất sâu sắc về lịch sử, về chủ quyền biển đảo.

Học sinh hai cấp trung học và sinh viên được tuyên truyền, giáo dục về quần đảo Hoàng Sa không chỉ để biết mà chủ yếu là để khi trưởng thành có thể tự giác và tích cực đóng góp vào quá trình đấu tranh khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa. Các em học không phải chỉ biết cho có biết, mà còn phải biết để hành động. Chẳng hạn biết để mà phản ứng khi nhìn thấy tấm bản đồ Tổ quốc ở đâu đó vô tình hay cố ý bị vẽ thiếu Hoàng Sa và Trường Sa. Ông Bùi Văn Tiếng (Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử TP Đà Nẵng)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Những người thầy đưa Hoàng Sa vào trường học