Những người thầy hết lòng vì học sinh

18/11/2023, 17:25
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Phía sau thành công của các thế hệ học trò là sự tận tâm, tận lực của mỗi thầy, cô giáo. Thầy cô đã thắp lên trong lòng các thế hệ học trò tinh thần hứng khởi trong học tập và luôn có trách nhiệm với cộng đồng.

Theo con số thống kê của ngành giáo dục, trong vòng 3 năm học kể từ tháng 8/2020 đến tháng 8/2023, tổng số giáo viên mầm non, phổ thông nghỉ việc, bỏ việc trên cả nước lên đến con số hơn 40.000 người.Bên cạnh đó,tình hình tuyển dụng giáo viên ở các địa phương đang gặp nhiều khó khăn. Ở vùng sâu vùng xa, vùng khó khăn, dù được giao biên chế, có chế độ ưu đãi vẫn không tuyển được giáo viên.

Tuy nhiên, bên cạnh số giáo viên bỏ việc, bỏ nghề, vẫn còn rất nhiều các thầy, cô giáo đang ngày ngày chăm chút cho các em thơ, hết lòng, hết sức vì sự nghiệp "trồng người". Báo Điện tử Chính phủ trân trọng giới thiệu loạt bài viết về các gương sáng giáo viên tận tâm, tận lực với các học trò vùng sâu, vùng xa vùng khó khăn trên cả nước.

Những người thầy hết lòng vì học sinh- Ảnh 1.

Hơn 18 năm công tác trong ngành giáo dục, cô giáo Quách Thị Bích Nụ luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao và chưa bao giờ có ý nghĩ vất vả quá thì mình sẽ dừng công việc này

Cô giáo 18 năm chèo đò trên lòng hồ sông Đà đưa học sinh tới trường

Đó là cô Quách Thị Bích Nụ, Hiệu trưởng Trường Mầm non Yên Hoà, xã Yên Hoà, huyện Đà Bắc, tỉnh Hoà Bình.

Cô Nụ được sinh ra và lớn lên tại vùng quê nghèo nằm ven sông Đà, bà con nơi đây rất khó khăn, nguồn thu nhập chính cũng chỉ là đánh bắt tôm cá, làm nương làm rẫy. Muốn đi đâu làm gì cũng phải có thuyền nhưng để đầu tư mua được 1 chiếc thuyền nhỏ đi lại là niềm mơ ước cũng như khát khao của biết bao hộ gia đình.

Nơi cô Nụ dạy học là các xóm Nhạp, Đồng Ruộng - là vùng sâu, vùng xa đặc biệt khó khăn của huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình, với gần 60% gia đình thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo. Người dân sống rải rác bên các triền đồi ven bờ sông nên việc đi lại chủ yếu phải sử dụng thuyền, có nhiều gia đình còn rất khó khăn, không có thuyền đi lại, hoặc nếu có thì việc đưa đón con em đến trường khá vất vả. Hành trình đi tìm con chữ của các em nhỏ nơi đây vì thế cũng trở nên khó khăn hơn.

Vốn sinh ra và lớn lên tại nơi này, thấu hiểu hoàn cảnh của người dân nơi đây nên khi được phân công vềhọcviệc tại điểm trường xómNhạpcủa Trường Mầm non Đồng Ruộng, cô Nụ đã có ý kiến với các hộ gia đình sẽ tình nguyện đưa đón các em đến trường để phụ huynh yên tâm.

"Nhớ lại những ngày đầu mới về công tác, từ năm 2005, khi còn là giáo viên hợp đồng với đồng lương chỉ vẻn vẹn 50.000 đồng/1 tháng, nhưng với mong muốn tất cả các em học sinh trong độ tuổi ra lớp đều được đến trường, hàng ngày đi làm, tôi đã tự nguyện đưa đón các cháu học sinh đến trường ngày hai buổi", cô Nụ chia sẻ.

Phương tiện đến lớp của cô trò ngày ấy chỉ là chiếc bè được ghép từ những thân tre, rồi trộn xi măng trát lên trên để làm thuyền. Nắng ráo không vấn đề gì, nhưng gặp lúc thời tiết xấu, trời mưa, sương mù, giá rét, việc đi lại rất vất vả, tầm nhìn bị hạn chế… Khi ấy cô và trò lò dò đi từng chút một hoặc nép vào bờ chờ hết gió lại đi tiếp.

Bắt đầu từ những mong muốn giản đơn như vậy, lặng lẽ ngày qua ngày, sáng sớm và chiều tối, cô Nụ vừa quán xuyến công việc chăm trẻ, vừa tình nguyện chèo đò, đưa học sinh xóm Nhạp đến trường.

"Xuất phát từ tình cảm với các cháu bản thân tôi luôn tâm niệm phải giúp đỡ các cháu học sinh nơi đây được đến trường, từng bước nâng cao dân trí, góp phần cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của bà con quê hương", cô giáo Nụ tâm sự.

Những người thầy hết lòng vì học sinh- Ảnh 6.

Những chuyến đò hàng ngày qua sông tìm con chữ của cô giáo Nụ

Bán của hồi môn mua thuyền chở học sinh

Sau thời gian dài đưa đón học sinh, những chiếc thuyền nhỏ của cô Nụ dần xuống cấp. Nhận thấy việc đưa đón các cháu sẽ không đảm bảo an toàn, năm 2011, sau khi bàn bạc và được sự đồng tình ủng hộ của gia đình, cô quyết định bán cặp bò vốn là của hồi môn để đóng chiếc thuyền bằng sắt sử dụng đến nay.

Cô Nụ luôn cảm thấy hạnh phúc khi nghĩ về những chuyến đò của mình: "18 năm qua, tôi không nhớ rõ mình đã đưa đón được bao nhiêu cháu, bao nhiêu chuyến đò; chỉ nhớ năm học ít nhất là đưa đón 2 cháu, năm nhiều nhất là 18 cháu. Tôi luôn coi những đứa trẻ ấy như người thân yêu của mình. Đến nay, việc đưa đón các cháu luôn được diễn ra an toàn và đảm bảo các cháu đến lớp kịp giờ".

Cô Nụ nhớ lại thời điểm cuối năm 2017, cơn lũ lịch sử đã tàn phá nặng nề vùng đất Đồng Ruộng vốn đã rất khó khăn. Nước lũ cuốn trôi trường học, nhà cửa, tài sản của bà con gần như mất trắng. "Toàn bộ nhà bè, lồng cá trên sông của gia đình tôi mất trắng, mồ hôi công sức gây dựng bao năm của cả gia đình đổ xuống sông, xuống biển. Nhưng tôi vẫn cố gắng bình tâm, tự nhủ mình phải vượt qua mọi khó khăn, để nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ và hàng ngày vẫn đều đặn những chuyến đò đưa các em đến trường", cô giáo tâm sự.

Hiện nay, được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, các nhà hảo tâm, các cháu độ tuổi Mầm non và Tiểu học của điểm trường xóm Nhạp, xã Đồng Ruộng đã có lớp học khang trang, ở gần khu tái định cư mới; các cháu không phải vượt sông đến trường. Tuy nhiên, các cháu học sinh lớp 5 và THCS, vẫn hàng ngày phải vượt sông đến trường, đoạn đường từ xóm đến trường của các cháu phải mất 30 phút đi bằng thuyền trên sông và 30 phút đi xe gắn máy.

Vì điều kiện gia đình các cháu đều còn rất khó khăn, gia đình các cháu không thể hàng ngày đưa đón các cháu đến trường, nhận thấy nếu để các cháu tự đi lại để đi học thì sẽ không đảm bảo an toàn, cô Nụ lại tiếp tục đưa đón các cháu học sinh THCS đến trường hàng ngày.

Hơn 18 năm công tác trong ngành giáo dục, cô giáo Quách Thị Bích Nụ luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao."Chưa bao giờ tôi có ý nghĩ vất vả quá thì mình sẽ dừng công việc này, bởi nếu tôi nghỉ các cháu sẽ không được đến lớp, hoặc có đến lớp thì sẽ gian nan và vất vả. Không thể giúp đỡ các em tiền nộp học, tiền ăn hàng ngày nhưng tôi luôn gieo cho các em những động lực sự bền bỉ và cố gắng vì có cố gắng thì tất cả mơ ước sẽ thành công", cô chia sẻ.

Ước mong lớn nhất của cô giáo là nơi đây có được con đường liên xã, có cây cầu nối giữa xóm để cô trò không cần lênh đênh trên mặt nước mà vẫn có thể đến trường mỗi ngày.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Những người thầy hết lòng vì học sinh