Những người thầy ươm mầm khát vọng cho học trò Khmer

28/08/2023, 06:52
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Thầy nói tiếng Việt, trò nói tiếng Khmer… là khó khăn chung của giáo viên dạy học ở vùng khó...

Dù là lúc phòng học dột, tường bong tróc, đường sục bùn đất khi mưa lớn… nhưng hơn chục năm qua, cô giáo dân tộc Khmer Thị Chanh Sóc The (sinh năm 1987) vẫn quyết tâm “bám” nghề dạy chữ tại xã vùng sâu Thạnh Yên của huyện U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang.

Ngày đầu tiên đến nhận công tác, cô Thị Chanh Sóc The được nhà trường phân công dạy lớp 2, điểm Xẻo Tôm, Trường Tiểu học Thạnh Yên 1, thuộc xã Thạnh Yên. Điểm lẻ Xẻo Tôm có 4 lớp với 112 học sinh, nhưng đều là học sinh người dân tộc Khmer và hơn 90% thuộc các gia đình là hộ nghèo, cận nghèo và khó khăn.

Học sinh đến lớp không có dép để đi, không có áo trắng để mặc, còn rụt rè nhút nhát chưa thành thạo tiếng phổ thông để giao tiếp, lớp học một buổi/ngày. Có những em đã đến giờ đi học mà còn ở ngoài đồng bắt cá, mò ốc… hoặc ra rìa sông lớn, bắt vọp để phụ gia đình lo bữa ăn hàng ngày.

Vì là điểm lẻ nên cơ sở vật chất còn thiếu thốn, diện tích sân chơi nhỏ, chưa được bê tông hóa, mỗi khi trời mưa, các thầy cô phải tất tả dọn dẹp bùn đất để học sinh không bị lấm bẩn khi vui chơi. Cô Sóc The công tác được 2 năm ở Trường Tiểu học Thạnh Yên 1 thì trường có quyết định chia tách, thành lập thêm một trường có tên là Trường Tiểu học Thạnh Yên 3.

Mặc dù trường luôn nhận được sự quan tâm của các cấp và chính quyền địa phương nhưng do huyện nghèo, địa bàn rộng, lại có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống nên việc đầu tư, mua sắm trang thiết bị đồng bộ cho trường gặp rất nhiều khó khăn. Trong khi đó, đồ dùng dạy học của giáo viên chủ yếu do giáo viên tự làm bằng vật liệu sẵn có nên dễ bị hư hỏng.

Khó khăn là vậy, nhưng nhờ sự động viên, chia sẻ của đồng nghiệp, đặc biệt là tình cảm quý mến của học sinh và phụ huynh nơi đây, cô The đã vượt qua để nỗ lực truyền thụ kiến thức cho học trò qua từng bài giảng. Tranh thủ giờ ra chơi, cô còn ân cần trò chuyện, tìm hiểu hoàn cảnh gia đình của từng em để cô trò thêm gần gũi, chia sẻ và kịp thời quan tâm, hỗ trợ các em.

Thời gian cứ thế trôi qua, Trường Tiểu học Thạnh Yên 3 giờ đây đã được đầu tư trang thiết bị hiện đại theo quy chuẩn và được Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện U Minh Thượng chọn làm “trường điểm” dạy theo Mô hình Trường học mới (VNEN).

Các em học sinh hoàn cảnh khó khăn cũng được hỗ trợ đồ dùng học tập, đồng phục... Nhờ thế, tình trạng bỏ học giữa chừng đã được giải quyết, tỉ lệ chuyên cần cao. Điều kiện cơ sở vật chất phục vụ học tập tốt hơn giúp nâng cao chất lượng dạy và học nên trong những năm học vừa qua, nhiều em học sinh đã đạt được thành tích cao trong các cuộc thi viết chữ đẹp, giải toán bằng tiếng Anh, giao lưu “tiếng Việt của chúng em”…

“Trong giờ dạy, lúc giảng bài hay những lúc tôi đặt câu hỏi, nhìn mãi mà không thấy một cánh tay nào giơ lên, chỉ thấy những ánh mắt nhìn tôi ngơ ngác vì không hiểu thầy đang nói gì. Tôi hoang mang lắm.

Thật may là có được mấy em rành cả tiếng Việt và tiếng Khmer, các em đã giải nguy cho thầy. Các em dịch các từ, các câu cho các bạn hiểu và dạy thầy nói một số từ thông dụng để nhắc nhở hoặc nêu yêu cầu”, thầy Phúc Sinh nhớ lại.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/nhung-nguoi-thay-uom-mam-khat-vong-cho-hoc-tro-khmer-post651848.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/nhung-nguoi-thay-uom-mam-khat-vong-cho-hoc-tro-khmer-post651848.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Những người thầy ươm mầm khát vọng cho học trò Khmer