Còn nhớ năm 2017, là lần đầu tiên được đặt chân đến mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc nên cô vô cùng tự hào. “Phải chính bạn đặt chân tới thì mới cảm nhận hết được tình yêu Tổ quốc khi đến Trường Sa. Đó là cảm giác xúc động, thương mến, cảm phục cán bộ, chiến sĩ và những người dân nơi đây. Mênh mông giữa trùng khơi, xa đất mẹ, thiếu thốn về tinh thần khiến chúng tôi thêm trân trọng sự hi sinh của các anh với dân tộc”, Phương Dung chia sẻ.
Kỷ niệm nhớ nhất trong chuyến đi của cô là được sinh hoạt với các chiến sĩ trên đảo Đá Nam. Mỗi con người một quê hương, một gia đình nhưng đến đó, họ đều coi nhau như anh em ruột thịt. Những cánh thư đọc chung, những câu chuyện gia đình chỉ một người kể nhưng ai nấy đều hồi hộp lắng nghe.
Hết đợt công tác, trước khi trở về đất liền là cảm giác không ai muốn. Các chiến sĩ bịn rịn ôm lấy những con người sẽ vào đất liền vừa để níu lại hơi ấm của quê hương cho đỡ nhớ, vừa gửi gắm tình cảm vào đất mẹ thân yêu. Giây phút đó khiến ai nấy đều xúc động.
“Những chuyến đi đều đem lại cảm xúc cho những nhà báo trẻ. Được đặt chân đến mọi miền của Tổ quốc là niềm vui, sự tự hào và những bài học làm nghề quý báu. Thế nhưng, đến với Trường Sa, cảm giác khiến con người ta bình yên và trân quý đến lạ để từ đó lại cùng nhau rèn luyện, ý thức trách nhiệm hơn với công việc của mình, với nghề báo đầy vất vả, gian nan nhưng cũng rất thú vị”, nữ nhà báo Phương Dung chia sẻ.
Cây bút nữ “nhầm tuổi”
Thoăn thoắt bước chân mỗi khi tác nghiệp, Lê Dung – Báo Tuổi trẻ Thủ đô khiến nhiều nữ phóng viên khác không khỏi thán phục bởi tình yêu nghề và đặc biệt là sự chăm chỉ đi công tác. Sinh năm 1988 nhưng nhiều người thường trêu đùa, “cô gái này lẽ ra phải tuổi cầm tinh con ngựa”.
Tốt nghiệp Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Lê Dung được nhận vào làm việc tại tòa soạn Báo Tuổi trẻ Thủ đô đến nay đã được 10 năm. Kể về những ngày đầu mới bước chân vào nghề, Lê Dung gặp không ít khó khăn nhưng đó là những kỉ niệm rất đẹp.
“Tôi còn nhớ chuyến đi đầu tiên, một mình “khăn gói” rời Hà Nội lên huyện Phong Thổ, Lai Châu – vùng cực Tây của Tổ quốc còn nhiều khó khăn để thực hiện loạt bài viết về con người “bám đất, bám bản”, giữ bình yên nơi biên cương Tổ quốc. Họ là những chiến sĩ bộ đội biên phòng, thầy cô giáo, học sinh, đồng bào dân tộc thiểu số...
Đêm đầu tiên, tôi ngủ lại trong căn nhà lá lụp xụp của gia đình cô giáo ở Trường Tiểu học số 1 Huổi Luông. Lạ nhà, tiếng mưa, gió rừng khiến tôi mất ngủ cả đêm. Sáng sớm hôm sau, tôi ngồi xe máy cùng một thầy giáo trẻ lên thăm điểm trường Huổi Luông 2. Cơn mưa đêm qua khiến đường ướt loét nhoét, chúng tôi đành dắt xe cuốc bộ. Lần đầu tiên lên miền núi, vượt những dốc đá cheo leo, vực sâu thăm thẳm, không quen đường nên tôi ngã sõng soài đến ba lần, trẹo cả chân, quần áo lấm lem bùn đất, cảm cúm vì thời tiết khắc nghiệt.
Đi hết gần 2 giờ đồng hồ, chúng tôi cũng có mặt tại điểm trường Huổi Luông 2. Lần đầu tiên “mắt thấy, tay sờ” vào những phên tre nứa, mái lá dựng thành phòng học, phòng ở của giáo viên. Trẻ em thì chân đất, áo rách tơi tả đến trường, tôi hiểu, thầy cô và học sinh ở đây khó khăn đến nhường nào. Đó là những gian nan, hiểm nguy mà đồng bào từng ngày phải trải qua trên các cung đường núi non hiểm trở. Đó cũng là cái đói nghèo, thiếu thốn miếng cơm, manh áo, cơ sở vật chất, văn hóa, tinh thần…”.
Chuyến đi ấy cũng khiến nữ phóng viên trẻ đúc rút thêm nhiều kinh nghiệm quý giá, bồi đắp cho mình nguồn cảm hứng, khả năng viết bài. Lê Dung cho rằng, người cầm bút sẽ có những bài viết sâu sắc, “có hồn” hơn khi lăn lộn vào thực tế cuộc sống, gần gũi với nhân dân.