Thời sự

Những phận người bên hành lang bệnh viện

16/06/2024 12:11

Giữa ngày hè oi ả, hàng chục người vạ vật bên hàng lang cầu thang bệnh viện. Bỗng tiếng chuông vang lên báo hiệu một ca bệnh chuyển hướng xấu, tất cả cùng im bặt, hướng ánh mắt âu lo về phía cánh cửa khu điều trị …

Chuyện đời, phận người

11h, cánh cửa vào Khoa Hồi sức tích cực mở đón người nhà bệnh nhân. Chị Hạnh ôm bụng bầu 5 tháng, tay cầm túi thuốc và suất cháo từ thiện vừa nhận dưới cổng viện, khệ nệ leo 4 tầng cầu thang vào chăm chồng. Anh Phúc (40 tuổi), chồng chị, là lao động tự do, không may trong lúc làm việc bị tai nạn nghiêm trọng. Kể từ đó, chị Hạnh vừa chăm con, vừa buôn bán thêm và chỉ tranh thủ lúc nghỉ trưa để vào thăm chồng. Người anh họ cũng bỏ công, bỏ việc từ Nghệ An ra chăm đỡ suốt hơn 2 tháng qua. Vừa bón cháo qua đường ống thông, chị Hạnh vừa động viên chồng cố gắng ăn nhiều cho mau bình phục. Anh ăn xong, chị lại tất tả đi lấy nước ấm về lau người cho chồng, rồi nắm tay kể những câu chuyện vui về đứa con trai 4 tuổi. Có lẽ nhờ nguồn năng lực tích cực ấy mà dù xung quanh là chằng chịt máy móc hỗ trợ, song trong mắt anh Phúc luôn ánh lên niềm vui.

Cầu thang, hàng lang bệnh viện là nơi tá túc của người chăm bệnh nhân

Cầu thang, hàng lang bệnh viện là nơi tá túc của người chăm bệnh nhân

“Mày là con tham lam. Nhờ con tao nằm viện nên mày mới được ăn miễn phí đấy!” - bà Tuất mắng mỏ cô con dâu trước khi rời đi, bỏ lại sau lưng chị Cúc (con dâu bà) ngấn lệ với suất cơm từ thiện đang ăn dở. “Kệ bà ấy” - ông Long nói hướng về phía chị Cúc sau khi bà Tuất khuất bóng khỏi hành lang. Hơn 1 tháng chăm con ở đây, ông Long không lạ gì giọng điệu đầy định kiến của người mẹ chồng kia. Chồng chị Cúc bị tai nạn giao thông, phải điều trị nhiều tháng qua. Vừa phải đảo mắt chăm 4 cô con gái đang nhờ người nhà trông nom, chị vừa tranh thủ vào viện chăm chồng. Tiền bạc, của cải trong nhà bán dần lo sinh hoạt và chữa bệnh. Thấy hoàn cảnh chị khó khăn, qua lời kêu gọi của bạn bè, nhiều người hảo tâm có chuyển tiền giúp đỡ chị. “Tại nó không đẻ được con trai, lại giữ hết tiền ủng hộ nên mẹ chồng mới đối xử vậy” - ông Long nói vọng về phía những ánh mắt tò mò. Nói rồi ông rảo bước mang đồ ăn lên phòng bệnh cho cậu con trai út đang điều trị tại đây.

Đối lập với chị Cúc, ông Long có 4 người con trai. Trong câu chuyện phiếm bên hành lang bệnh viện, ông thường tự hào có tài sinh con một bề. Nhưng khi được hỏi về bệnh tình cậu út, giọng ông chùng lại. Ông kể, con ông dại dột nghe theo bạn bè sử dụng thuốc lá điện tử nên mới sinh nông nỗi. Song có người lại bảo, con ông đua đòi sử dụng ma túy đá đến mức loạn thần, lục phủ ngũ tạng hỏng hết nên phải vào đây điều trị. Chẳng biết thực hư ra sao, nhưng nhìn cảnh người cha tuổi lục tuần phải bón từng thìa cơm, thay bỉm cho anh con trai cao to vạm vỡ đang bị trói cả chân tay (để tránh các hành vi tự thương, mất kiểm soát) trên giường, ai nấy đều thương cảm.

Tư trang của những người hàng ngày “ăn cơm nắm, nằm gầm giường” trong bệnh viện

Tư trang của những người hàng ngày “ăn cơm nắm, nằm gầm giường” trong bệnh viện

Ông Long kể ngoài con trai út đang nằm viện chưa biết ngày nào ra, đứa con trai cả cũng mắc bệnh cột sống, không thể lao động nặng. Gia đình ông trước cũng có chút của ăn của để, tưởng về già an nhàn, cậy nhờ 4 quý tử thì nay tiền bạc hao mòn dần theo chuỗi ngày trị bệnh cho con. Ông bảo, những lúc con “lên cơn”, hành động mất kiểm soát, ông rất ngại với mọi người xung quanh. Khi cậu ta nói cười vô tri như hồi còn nhỏ thì ông lại thấy thanh thản hơn. Nhưng chẳng cha mẹ nào mong sự thanh thản bất đắc dĩ ấy kéo dài. “Từng này tuổi, vợ chồng tôi chỉ mong nó sớm khỏi bệnh, trở lại bình thường. Có vậy, chúng tôi có nhắm mắt cũng yên lòng” - ông Long bộc bạch.

Ăn cơm nắm, nằm gầm giường

Trong số người vạ vật bên hành lang bệnh viện, ngoài người nhà bệnh nhân như ông Long, chị Hạnh, chị Cúc… còn có những người được thuê để chăm bệnh nhân.

Vừa chợp mắt ít phút trên tấm chiếu đơn trải bên cầu thang, ông Hậu bị đánh thức bởi tiếng chuông điện thoại. Đầu dây bên kia là người nhà bệnh nhân gọi ông xuống cổng bệnh viện để chi trả các khoản cho những ngày sinh hoạt trước đó. Cứ 2 ngày một lần, ông được trả công bằng tiền mặt theo thỏa thuận miệng với con trai cụ Loan - người mà ông được thuê để chăm sóc. Cụ Loan có 5 người con đều khá giả, có người là quan chức, nhưng khi nằm viện, con cái mải công việc nên không ai chăm được, đành tìm đến dịch vụ. Ông Hậu rời quê ra Hà Nội mưu sinh khi đã có 3 mặt con. Ban đầu làm phụ hồ, nhưng được vài ngày không chịu nổi vì sức khoẻ không có, ông tình cờ biết đến dịch vụ chăm người bệnh nên gắn bó với công việc ấy từ đó đến giờ. Thâm niên hơn 10 năm trong nghề, ông từ chăm người già đến thanh niên, nam hay nữ, minh mẫn hay tâm thần, bệnh nặng hay nhẹ… ông đều đã chăm được hết. “Ngại nhất là bệnh nhân mắc bệnh truyền nhiễm, hoặc người già nhiều bệnh lý nền phải hỗ trợ từ việc nhỏ nhất” - ông Hậu đúc kết.

Hợp đồng kết thúc đột ngột, bà Xuyến nhìn về cuối hành lang sâu hun hút, chưa biết phải đi đâu, về đâu…

Hợp đồng kết thúc đột ngột, bà Xuyến nhìn về cuối hành lang sâu hun hút, chưa biết phải đi đâu, về đâu…

Nghề này thoạt nhìn tưởng nhàn, nhưng phải ở trong cuộc mới thấm thía. Không chỉ là rủi ro khi hàng ngày tiếp xúc đủ mọi mầm bệnh, mà giờ giấc cũng chẳng cố định. Ngoài cho bệnh nhân ăn uống, thuốc men theo chỉ dẫn của bác sỹ, ông Hậu còn kiêm cả việc làm vệ sinh cá nhân, xoa bóp cho họ. Ban ngày thì ngồi túc trực cạnh giường bệnh, tranh thủ lúc bệnh nhân nghỉ thì được ra ngoài hành lang chợp mắt, song luôn phải trong tư thế sẵn sàng bật dậy bất cứ lúc nào bệnh nhân cần. Tối đến, ông Hậu trải chiếu nằm dưới gầm giường để tiện theo dõi. Ông bảo, nằm gầm giường bệnh còn có điều hòa và không bị muỗi đốt như hành lang. Bữa ăn của những người hành nghề như ông cũng thất thường, khi là suất cơm từ đoàn từ thiện, lúc tìm ra mấy quán ngoài cổng viện, song thường xuyên là những hộp xôi hay miếng cơm nắm lót dạ lúc nhỡ nhàng. Cũng bởi đặc thù đó mà “ăn cơm nắm, nằm gầm giường” thường được ông Hậu và đồng nghiệp hóm hỉnh dùng để mô tả về nghề này. Những người mới làm thường phải qua công ty môi giới mới có hợp đồng và phải cắt lại 30% tiền công. Còn với những người kinh nghiệm lâu năm, việc sẽ tự tìm đến.

Đang dở chuyện, điện thoại ông Hậu tiếp tục réo chuông. Sau cuộc gọi, nét mặt cau lại, ông lục hành lý lấy ra chai rượu gừng rồi bảo: “Cụ Loan tiên lượng xấu, có thể ra đi trong ngày. Con cái cụ vừa báo”. Khi đó, nhiệm vụ cuối cùng của ông là phải vệ sinh sạch sẽ cho người mất trước khi bàn giao người nhà và kết thúc hợp đồng.

Giống như ông Hậu, bà Xuyến (55 tuổi, quê Nam Định) cũng có “thâm niên” hơn 10 năm “ăn cơm nắm, nằm gầm giường” ở nhiều bệnh viện. Xuất thân là điều dưỡng, có chút kinh nghiệm về y khoa nên bà lợi thế hơn các đồng nghiệp khác khi có thể xoa bóp, bấm huyệt, thay ống truyền… cho bệnh nhân một cách thuần thục. Ở bệnh viện cũ, bệnh nhân chủ yếu bệnh nhẹ, thời gian lưu trú ít nên “hợp đồng” của bà thường chỉ kéo dài 3 - 5 ngày. Vì vậy, bà tìm đến Bệnh viện E chăm bệnh nhân ở Khoa Hồi sức tích cực để hợp đồng được dài hơn. “Trông bệnh nhân ở đây khá mệt, nhưng tiền công cao hơn. Thường giá là 500 nghìn đồng/ngày, có người trả 600 - 700 nghìn đồng/ngày, lại cũng hay được thưởng thêm” - bà Xuyến tiết lộ. Song, theo bà, nghề này bí bách ở chỗ phải túc trực gần như 24/24h, đôi khi gia đình có công có việc cũng không về được. Vì nếu “bỏ rơi” bệnh nhân là tự hủy hợp đồng, vừa mất tiền, mất uy tín, chẳng ai dám giới thiệu việc cho nữa.

Tranh thủ lúc rảnh rỗi, bà Xuyến lấy điện thoại ra lướt mạng. Bà khiến nhiều người bất ngờ khi khoe có biệt tài đối đáp, từng tham gia thi trên một ứng dụng mạng xã hội đang rất được giới trẻ ưa chuộng. Có lẽ nhờ vậy mà nhìn bà trẻ hơn tuổi 55 của mình. Nhưng khi được hỏi về gia đình, nét mặt bà đượm buồn: “Ở tuổi này ai chẳng muốn an nhàn, vui vầy cùng con cháu. Nhưng vì không khí gia đình ngột ngạt quá, cực chẳng đã mới phải lên Hà Nội “ăn cơm nắm, nằm gầm giường” hết ngày này qua tháng nọ”.

Sau 4 ngày trông một người cao tuổi biến chứng tiểu đường, bà được người nhà bệnh nhân gọi điện báo cắt hợp đồng do bệnh nhân chuyển viện gấp. Sắp xếp tư trang cho bệnh nhân xong, bà Xuyến lấy chiếc kính lão bắt đầu nhẩm tính các chi phí để chuẩn bị thanh lý hợp đồng với người nhà bệnh nhân. Rồi gói ghém tư trang, bà nhìn về cuối hành lang sâu hun hút mà chưa biết ngày mai sẽ tiếp tục như thế nào …

(*) Tên các nhân vật đã được thay đổi

Theo www.24h.com.vn
https://www.24h.com.vn/tin-tuc-trong-ngay/nhung-phan-nguoi-ben-hanh-lang-benh-vien-c46a1577070.html
Copy Link
https://www.24h.com.vn/tin-tuc-trong-ngay/nhung-phan-nguoi-ben-hanh-lang-benh-vien-c46a1577070.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Những phận người bên hành lang bệnh viện