Những phận người bên trong “hộp ngủ”

20/10/2023, 16:30
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Những cuộc đời bên trong “hộp ngủ” giữa lòng thành phố sôi động là những người thu nhập thấp, sinh viên nghèo... Bên cạnh dịch vụ tiện ích, tối giản, giá cả hợp lý thì những sleepbox vẫn chứa đựng nhiều bất cập và tiềm ẩn rủi ro...

Sự chọn lựa tối giản

Những căn phòng trọ siêu nhỏ nhưng đắt khách nằm ngay trung tâm quận 1, TP Hồ Chí Minh, bề ngang phòng khoảng 1,2m, chiều dài hơn 2m, tổng diện tích sinh hoạt chỉ khoảng 2,5m2. Đây được gọi là phòng “sleepbox” - một chiếc hộp ngủ. Đúng như tên gọi, căn phòng vừa vặn không gian cho một người nằm. Phòng trọ sleepbox được xem như một dạng ký túc xá với các khoang ngủ xếp chồng lên nhau nhằm tối đa hóa diện tích, tăng số lượng phòng. Các khoang đóng thành dạng hộp, có cửa ra vào, đáp ứng nhu cầu không gian riêng tư của người thuê.

Các khu vực ở TP Hồ Chí Minh đang tập trung nhiều mô hình sleepbox như: Nguyễn Gia Trí, Xô Viết Nghệ Tĩnh (quận Bình Thạnh); phường Tân Phong (quận 7); đường Lê Hồng Phong (quận 10), đường Cống Quỳnh (quận 1)... Mô hình lưu trú hộp ngủ phù hợp với sinh viên, nhân viên văn phòng hay những người độc thân đi làm cả ngày. Họ chỉ cần một chỗ nghỉ vào mỗi buổi tối khi kết thúc thời gian làm việc. Quan trọng hơn, sleepbox giúp tiết kiệm tài chính, chi phí sinh hoạt cho bản thân.

Những phận người bên trong “hộp ngủ” - 1

Lực lượng chức năng TP Hồ Chí Minh tổng kiểm tra các khu nhà trọ tại TP Hồ Chí Minh.

Là một đầu bếp tại khách sạn trên đường Nguyễn Huệ (quận 1, TP Hồ Chí Minh), anh Lê Duy Việt (32 tuổi, quê Bến Tre) đã sống trong hộp ngủ được gần 3 năm nay. Nói chính xác hơn thì đó không hẳn là một không gian để sống và sinh hoạt, mà công năng chính là ngủ. Hộp ngủ của anh Việt nằm trên đường Cống Quỳnh (quận 1), chỉ cách nơi làm việc của anh 10 phút đi bộ. Anh Việt cho biết, nơi mình ở là một ngôi nhà 3 tầng, ở dưới dùng để xe và khu nấu ăn chung, 2 tầng còn lại chủ nhà ngăn thành những hộp ngủ cho khách thuê. Mỗi tầng có nhà vệ sinh chung, giặt đồ và phơi quần áo ở trên sân thượng.

Hộp ngủ của anh Việt rộng vỏn vẹn 2,5m2, có giá thuê 2,6 triệu/tháng, trong đó chủ yếu kê một chiếc giường ngủ và vài kệ gỗ đựng đồ treo phía trên. Nó tối giản đến mức không có gì để lo mất trộm. Tuy là sinh hoạt chung nhưng anh Việt cũng như những người thuê hộp ngủ ở đây đều không quan tâm đến những phiền toái và bất tiện, bởi họ đi làm suốt ngày, về tới hộp là ngủ, thức dậy chỉ cần đánh răng rửa mặt lại lao ra đường.

“Người thuê hộp ngủ chủ yếu làm việc tại các nhà hàng, khách sạn ở khu trung tâm quận 1 nên thường làm xuyên đêm, chỉ sáng ra mới về ngủ. Ai cũng lo ngủ và lo đi làm. Việc nấu ăn hay vui chơi, sinh hoạt hầu như không xảy ra nên không khí ở đây rất bình lặng”, anh Việt chia sẻ. Anh Việt lựa chọn hộp ngủ vì đặc thù công việc, tiện lợi đường sá di chuyển. Bên cạnh đó, nhiều người thuê hộp ngủ còn vì kinh tế khó khăn, thu nhập eo hẹp, họ không có nhiều sự chọn lựa nếu muốn tồn tại ở thành phố đông đúc này.

Bên trong “hộp ngủ”

Từng là người ở hộp ngủ trong suốt 2 năm làm công nhân khu chế xuất Tân Thuận, chị Lưu Thị Thu Hà (31 tuổi, quê Gia Lai) kể, khu sleepbox của chị ở phường Tân Phong (quận 7) có 8 hộp ngủ được gia chủ hoán cải từ 3 phòng trọ cũ trước đó. Chỗ ngủ của chị Hà dài 2 m, rộng 1,2 m, cao khoảng 1,6 m (diện tích 2,4 m2). Tại đây, 8 hộp được ngăn với nhau bằng vách tôn mỏng, không cách âm, nhiều vách có kẽ hở nên phải làm thêm tấm rèm che bên trong. Chị Hà thuê với giá 2,4 triệu đồng/tháng đã bao gồm điện, nước, inter[1]net... cùng một bộ chăn gối nệm, một hộp tủ và vài cái kệ để đồ dùng. Do chị Hà ký hợp đồng 1 năm nên chủ nhà giảm xuống còn 2,1 triệu đồng/tháng.

Chị Hà cho biết, lúc tới thuê hộp ngủ, chị có suy nghĩ chỉ cần một chỗ ngủ sau những đêm tăng ca mệt nhọc. Ở một thời gian, chị cảm nhận rõ sự bức bối và ngột ngạt. Đêm tăng ca, ngày trở về ngủ tưởng rằng được bình yên nhưng hộp ngủ quá mỏng, tiếng ồn vọng vào bên trong, chị nghe được từng cái tặc lưỡi, từng tiếng la của các sinh viên thuê cùng, tiếng nhai đồ ăn lẫn trong tiếng ngáy của ai đó. Ở trong cái hộp ngủ, nhiều khi chị quên mất thời gian đêm ngày. Khi chuông báo thức kêu, chị bước ra và mới biết là bầu trời chưa tối, thành phố vừa trải qua một cơn mưa. Chưa kể, trong khu trọ có những người hút thuốc, uống rượu, những thứ mùi ấy lan ra không gian nhỏ hẹp, kín bưng rồi lọt vào trong hộp ngủ, sực vào mũi như muốn nghẹt thở, buồn nôn.

Mỗi tuần, chủ nhà đều dọn dẹp vệ sinh, nhà bếp, nhà vệ sinh, lau chùi hành lang, lối ra vào nhưng chỉ được một ngày là mùi lại dậy lên đầy ám ảnh. Phòng chật, sinh hoạt chung nên dù có cẩn thận, sạch sẽ đến đâu thì mùi vẫn rất nặng. Với những nam giới độc thân, ít mối quan hệ bên ngoài thì đơn giản, họ sống qua loa cho hết ngày trong những “bao diêm ngủ” và mặc kệ xung quanh có ra sao đi nữa. Nhưng, với cánh phụ nữ như chị Hà, sống trong cái hộp luôn mang đầy ức chế. Dù thời hạn hợp đồng còn 3 tháng nữa, chị Hà đã thông báo cho chủ muốn chấm dứt, chị muốn được trở về căn phòng trọ ven sông huyện Nhà Bè, nơi ấy tuy không cao sang, không có tiện nghi đầy đủ như hộp ngủ nhưng mỗi ngày được hít làn gió mới, được nhìn ánh nắng mặt trời ban sơ và được ngắm những giọt mưa đổ xuống mái tôn xóm trọ nghèo.

Những phận người bên trong “hộp ngủ” - 2

Một sleepbox được thiết kế giường tầng như ký túc xá.

Đơn độc và lẻ loi là những cuộc đời bên trong hộp ngủ giữa lòng thành phố sôi động. Bên cạnh dịch vụ tiện ích, tối giản, giá cả hợp lý thì những sleepbox vẫn chứa đựng nhiều bất cập. Nhưng, dù muốn hay không, đây vẫn là sự lựa chọn của nhiều người. Thùy Châu (26 tuổi, quê Bình Phước) là một trường hợp như thế. Châu tốt nghiệp Trường Cao đẳng Du lịch tại TP Hồ Chí Minh, đã có thời gian làm việc cho một công ty lữ hành. Sau dịch COVID-19, Châu mất việc và loay hoay mãi vẫn chưa tìm được nơi nào ổn định. Quyết bám trụ trung tâm thành phố chờ thời, Châu thuê một hộp ngủ trên đường Nguyễn Xí (quận Bình Thạnh) với giá 1,6 triệu đồng/tháng đã bao gồm chi phí điện, nước, wifi...). Ai có xe máy thì đóng thêm 200.000 đồng/tháng tiền gửi xe. Những người sống cùng một phòng sẽ sử dụng chung không gian bếp và nhà vệ sinh, quần áo phơi ở ban công. Trong căn nhà của Châu có 12 hộp ngủ, mức hộp thấp nhất là 1,6 triệu đồng/tháng, cao nhất là 1,8 triệu đồng/tháng, tùy theo vị trí.

Tuy vậy, dù ở vị trí nào thì những chiếc hộp ngủ đều không có ánh sáng mặt trời, không cửa sổ, không gió trời, mọi thứ kín như bưng đến nỗi con ruồi cũng khó lọt vào. Cứ 4-5 hộp ngủ sẽ được lắp một máy điều hòa và quạt thông gió. “Có máy lạnh nên cũng không nóng bức nhưng ở trong thì ngột ngạt, bức bối, quay vào trong hay quay ra ngoài đều đụng tấm vách gỗ. Ai đó ngủ ngáy là các hộp xung quanh nghe như tiếng kéo gỗ vọng vào tận màng nhĩ, hoặc đơn giản chỉ cần khò khè, đằng hắng, hắt xì... cũng cảm tưởng ở ngay bên cạnh mình. Còn nhiều thứ bất cập nữa nhưng người thuê phải chấp nhận, cuộc sống là vậy, đây là sự lựa chọn của mình mà”, Thùy Châu chia sẻ.

Một điều tối kỵ trong các hộp ngủ là không ai được dẫn bạn bè hay người thân vào hộp ngủ chơi hoặc nói chuyện. Dù điều này chủ nhà không cấm cản, nhưng với diện tích chỉ đủ cho một người nằm thì có dẫn về cũng không còn chỗ nào để đi đứng, mà phải ngồi. Mặt khác, chỉ cần nói chuyện đến tiếng thứ hai hoặc cười lớn một cái thì phòng bên đã gõ vào bức vách, ra hiệu giữ im lặng. Châu tâm sự: “Chỉ những người có lịch trình làm việc dày đặc, cần một chỗ ngủ sau khi tan làm mới không cảm thấy cô độc và buồn chán khi sống trong hộp ngủ. Những người ít tiền mà nhiều thời gian như em thì buồn chán lắm. Nếu không ngủ em sẽ đi lang thang ngoài phố, la cà quán cà phê đến mỏi gối, cho mệt rã rời ra, chờ khi nào buồn ngủ mới về”.

Rủi ro về phòng cháy, chữa cháy

Những chiếc hộp ngủ trong căn nhà nhỏ, nằm trên con hẻm đầy những dây điện chằng chéo ngổn ngang trên đầu. Gian bếp chung của căn nhà có một bình chữa cháy đặt bên dưới, ngập trong đống đồ đạc. Lối đi lại lên xuống chật hẹp, hai người tránh nhau khó khăn. Chúng tôi hỏi Châu lỡ xảy ra cháy thì có biết cách thoát hiểm không? Châu ngại ngùng lắc đầu: “Em chưa nghĩ ra được cách nào”. Châu cho biết, khi đến đây thuê, có hỏi chủ nhà về phòng cháy chữa cháy, chủ nhà giải thích rằng, trong nhà chỉ sử dụng thiết bị nấu nướng bằng điện. Phòng ở khép kín ai cũng có ý thức nên không phải lo lắng gì cả.

Tuy nhiên, rủi ro về cháy nổ là những nguy cơ trực chờ với những khu sleepbox vi phạm an toàn phòng cháy chữa cháy. Thời gian vừa qua, Công an TP Hồ Chí Minh đã cấp bách triển khai kế hoạch tổng kiểm tra, rà soát các mô hình nhà trọ tập trung đông người trên địa bàn toàn thành phố. Đáng chú ý, ngày 13/10, đoàn công tác đã kiểm tra công tác xây dựng tại căn nhà cho thuê ở số 15 Nguyễn Thiện Thuật, Phường 14 (quận Bình Thạnh). Tại căn nhà trên, lực lượng chức năng phát hiện hàng loạt vi phạm về phòng cháy chữa cháy, xây dựng. Theo đó, nhà trọ có 4 lầu, 1 trệt, tổng diện tích xây dựng khoảng 516 m2. Mỗi lầu ngăn từ 25- 30 “hộp ngủ”, tổng cộng có 125 hộp, mỗi hộp rộng từ 2- 3m2, được thiết kế bằng nhôm, tầng trệt là nơi để xe máy của người thuê.

Những phận người bên trong “hộp ngủ” - 3

Dãy “hộp ngủ” chật chội và tối tăm của khu sleepbox tại quận Bình Thạnh vừa bị đình chỉ hoạt động.

Làm việc với đoàn kiểm tra, chủ cơ sở cho biết lắp đặt các “hộp ngủ” này từ năm 2022 và có đơn xin phép UBND phường 14 ngăn phòng cho thuê.

Đại tá Huỳnh Ngọc Quan - Phó trưởng Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ Công an TP Hồ Chí Minh cho biết: “Đây là nhà ở ngăn phòng cho thuê nhưng với mô hình mới là dạng “hộp ngủ”. Chúng tôi cảm thấy rất lo lắng đối với loại hình này vì diện tích quá nhỏ, vi phạm rất nghiêm trọng về điều kiện an toàn phòng cháy chữa cháy. Nếu những người bên trong đang ngủ mà có cháy bên ngoài thì không thể nghe được các thông tin báo cháy”.

Cơ sở này thay đổi từ nhà ở riêng lẻ sang phòng trọ nhưng thiết kế dạng “hộp ngủ”, thay đổi hoàn toàn giấy phép xây dựng, không đảm bảo các tiêu chí về an toàn phòng cháy chữa cháy như: Lối thoát nạn, hành lang thoát nạn, các thiết bị, hệ thống phòng cháy chữa cháy... Do đó, các thành viên trong đoàn thảo luận, thống nhất tạm đình chỉ hoạt động đối với cơ sở trên để có hướng xử lý.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Những phận người bên trong “hộp ngủ”