Đối với việc chuyển giao quyền sở hữu tác phẩm trong một thời gian nhất định, tác giả sẽ không nắm giữ quyền sở hữu trong thời gian chuyển giao. Trong trường hợp thỏa thuận cho sử dụng độc quyền tác phẩm, nếu không cẩn thận, tác giả rất dễ bị tổn hại và mất quyền lợi…
Để đảm bảo quyền sở hữu, lợi ích kinh tế cho tác giả và bảo vệ giá trị của tác phẩm, thì tác giả, chủ sở hữu tác phẩm không chuyển nhượng quyền tác giả cho tổ chức, cá nhân khác mà nên ủy quyền quản lý, cấp phép, bảo vệ quyền tác giả cho tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả.
Trong trường hợp tác giả muốn tự cho phép sử dụng hoặc giao dịch khác thì nên thông qua tư vấn, hỗ trợ của tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả về các nội dung giao dịch, thỏa thuận. Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả âm nhạc Việt Nam hiện đã có đội ngũ pháp lý để tư vấn, hỗ trợ miễn phí cho thành viên, ông Mai Thanh Huy cho biết.
Từ góc nhìn của người hoạt động bảo vệ quyền tác giả âm nhạc quốc tế, ông Benjamin NG - Giám đốc Khu vực châu Á - Thái Bình Dương Liên minh quốc tế các Hiệp hội Tác giả và nhà soạn nhạc (CISAC) cho rằng, sự phổ biến của các điều khoản “bán đứt”, đặc biệt là ở các quốc gia cho phép cơ chế “tác phẩm theo đơn đặt hàng” như Hoa Kỳ đặt ra thách thức với người sáng tạo.
Hiện nay, một số vùng lãnh thổ, như Liên minh châu Âu (EU) có các quy định chống “bán đứt”, nhưng vẫn xảy ra việc tránh né hoặc không thực hiện. Vì vậy, tác giả - người sáng tạo nên thương lượng hợp đồng cẩn thận, xem xét thời gian, phạm vi và bồi thường… để tránh rủi ro”.