Những sai lầm khi định hướng nghề nghiệp

Phạm Hiền | 20/04/2023, 07:18
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Nhiều học sinh, sinh viên có tâm lý hoang mang, lo lắng vì ngành học mình đã chọn lựa, không biết ngành đó khi ra trường sẽ làm gì?

Nếu học sinh, sinh viên không được hỗ trợ hướng nghiệp và định hướng nghề nghiệp đúng đắn, vấn đề này có thể trở thành “quả bom hẹn giờ” tác động tiêu cực tới nền kinh tế, cũng như sự ổn định và phát triển ở mỗi quốc gia.

Những sai lầm khi định hướng nghề nghiệp ảnh 1

Ảnh minh họa.

Định hướng nghề thế nào cho đúng?

Kết quả nghiên cứu từ một nhóm các chuyên gia đến từ Trường Quốc tế, ĐH Quốc gia Hà Nội đã sử dụng dữ liệu từ điều tra lao động việc làm của Tổng cục Thống kê các năm 2018, 2019 và 2020, trong đó tập trung vào lao động có bằng cấp cao nhất tốt nghiệp đại học và làm công ăn lương cho thấy, tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp ra trường làm trái ngành là trên 24%. Trong đó, có nhiều ngành cử nhân phải làm trái ngành lên đến trên 60%.

Theo các chuyên gia, số lượng sinh viên tốt nghiệp đại học thất nghiệp hoặc làm trái ngành chiếm tỉ lệ rất lớn là do nhu cầu về nhân lực ở một số ngành chỉ ở mức thấp, nhưng mỗi năm các cơ sở giáo dục đào tạo không ngừng cung cấp thêm nguồn nhân lực. Điều này dẫn đến nhiều sinh viên ra trường không tìm được việc, từ đó thất nghiệp hoặc phải làm trái ngành. Ngoài ra, còn do sinh viên đã lựa chọn, định hướng sai ngành nghề như đã phân tích ở trên.

Ông Vũ Đức Nam, cán bộ tuyển sinh Trường Đại học FPT từng chỉ ra nhiều học sinh ngay từ môi trường phổ thông chưa định hình được ngành đó như thế nào, nhiều bạn không hiểu theo ngành Kinh tế sẽ học gì, học Quản trị kinh doanh sẽ làm gì nhưng vẫn chọn, dẫn đến trong quá trình học không thực sự cố gắng, nỗ lực.

Cũng theo ông Vũ Đức Nam, nhiều sinh viên tốt nghiệp nhưng năng lực không đáp ứng được yêu cầu công việc đề ra. Thậm chí, không trau dồi kiến thức, kỹ năng mềm trên giảng đường đại học dẫn đến thiếu những kỹ năng cần thiết như sự tự tin, khả năng giao tiếp, khả năng về ngoại ngữ… Để tìm kiếm những cơ hội việc làm tốt sau khi ra trường, bước đầu tiên phải hiểu và lựa chọn đúng ngành nghề, phù hợp với bản thân. Hiện nay, chọn ngành không chỉ dựa trên năng lực, sở thích mà phải dựa theo nhu cầu nguồn nhân lực của ngành đó.

Bà Đặng Hương Giang, Trường Đại học Thuỷ Lợi cho biết, hàng năm tỉ lệ sinh viên Trường Đại học Thủy Lợi tốt nghiệp có việc làm sau 3 tháng là trên 90%, còn sau 1 năm khoảng 97 - 98%. Để có tỉ lệ đó, nhà trường đã có những chính sách đào tạo như kĩ năng làm việc nhóm, kĩ năng phỏng vấn, thuyết trình… đưa kĩ năng mềm vào xuyên suốt quá trình học, đòi hỏi sinh viên không ngừng nâng cao kỹ năng, kiến thức, hoàn thiện bản thân.

PGS.TS Trần Thành Nam đưa ra 5 nguyên tắc chọn nghề, cụ thể là: Chỉ nên chọn nghề phù hợp với sở thích và hứng thú của bản thân; Không nên chọn nghề mà bản thân không đủ điều kiện đáp ứng (sở thích, tính cách, năng lực); Chỉ chọn khi đã hiểu biết đầy đủ về nghề (điều kiện, môi trường, tính chất, khó khăn, thách thức...); Không chọn nghề mà xã hội không còn nhu cầu; Chọn nghề đáp ứng được những giá trị mà bản thân coi là quan trọng và có ý nghĩa.

Vị chuyên gia khuyến cáo, khi áp dụng các nguyên tắc này, học sinh cần dựa trên những số liệu khách quan hoặc mô hình khoa học thực chứng, thay vì theo cảm tính. Ngoài ra, để chọn đúng, các em cũng nên biết thị trường lao động đang cần những nhân lực có trình độ như thế nào.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/nhung-sai-lam-khi-dinh-huong-nghe-nghiep-post635118.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/nhung-sai-lam-khi-dinh-huong-nghe-nghiep-post635118.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Những sai lầm khi định hướng nghề nghiệp