Tháng 8/2022, Bộ GD&ĐT đã phối hợp với Uỷ ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội tổ chức Hội nghị tự chủ đại học. Tại đây, nhiều kinh nghiệm đã được chia sẻ, nhiều vấn đề khúc mắc đã được trao đổi và nhiều kiến nghị đã được đặt ra.
Từ thông tin của hội nghị này, cũng như những vấn đề từ thực tiễn, Bộ GD&ĐT đang tiến hành điều chỉnh chính sách, để làm cho tự chủ đại học trong thời gian tới đi vào chiều sâu, đầy đủ hơn và tạo thêm điều kiện cho các cơ sở giáo dục đại học tiếp tục phát triển mạnh mẽ.
Năm 2022, với vai trò là Chủ tịch luân phiên của hợp tác giáo dục ASEAN nhiệm kỳ 2022-2023, Bộ GD&ĐT đã tổ chức thành công chuỗi Hội nghị Bộ trưởng, quan chức cấp cao Giáo dục ASEAN tại Hà Nội từ ngày 11-14/10.
Tại hội nghị, bộ trưởng các nước thành viên ASEAN tập trung trao đổi về tình hình giáo dục và đào tạo của mỗi nước, chia sẻ các bài học thực tiễn, những kinh nghiệm trong việc mở cửa trường học, dạy và học trong giai đoạn hậu Covid-19.
Tháng 9/2022, đoàn đại biểu Bộ GD&ĐT Việt Nam do bộ trưởng dẫn đầu đã tham dự Hội nghị Thượng đỉnh toàn cầu về chuyển đổi giáo dục tại New York, Mỹ. Hội nghị do Tổng thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres chủ trì, với sự tham dự của 200 quốc gia, vùng lãnh thổ.
Dịch bệnh gây ảnh hưởng nhiều đến các hoạt động của cơ sở giáo dục, tác động cuộc sống của người dạy, người học. Hệ thống giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập là đối tượng chịu ảnh hưởng nhiều nhất.
Nhiều gói hỗ trợ đã được Chính phủ và ngành giáo dục triển khai. Mức hỗ trợ cho giáo viên mầm non, tiểu học ngoài công lập từ 2,2-3,7 triệu đồng.
Bộ Chính trị đã duyệt giao cho ngành giáo dục hơn 65.000 chỉ tiêu biên chế giáo viên từ nay đến năm 2026, riêng năm 2022 chỉ tiêu biên chế là hơn 27.000 giáo viên. Các sở nội vụ của các địa phương đã bắt đầu công việc tuyển dụng giáo viên.
Ngoài việc thiếu chỉ tiêu, các địa phương còn tồn đọng hơn 10.000 chỉ tiêu chưa tuyển dụng, do đó, các địa phương vừa tuyển dụng mới, vừa tuyển dụng số lượng còn tồn đọng này.
Năm học 2022-2023, chương trình mới đang được triển khai ở lớp 1, lớp 2, lớp 3, lớp 6, lớp 7 và lớp 10. Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 33/2017/TT-BGDĐT, qua đó cải thiện chất lượng biên soạn, thẩm định sách giáo khoa.
Với một số môn học mới, môn học bắt buộc được triển khai trong năm học, bộ đã có hướng dẫn, chỉ đạo địa phương để chuẩn bị các điều kiện triển khai thực hiện.
Bộ cũng tổ chức tham vấn ý kiến chuyên gia, từ đó điều chỉnh chương trình giáo dục phổ thông 2018 với sự bố trí phù hợp về thời lượng và tính chất môn Lịch sử.