Kỳ thi tốt nghiệp THPT thay đổi đáng kể, từ một mô hình cứng nhắc, đồng nhất trở nên linh hoạt hơn.
Năm học 2024-2025 đánh dấu cột mốc quan trọng khi Chương trình giáo dục phổ thông 2018 hoàn tất chu trình triển khai. TS Scott McDonald, Khoa Kinh doanh (Trường ĐH RMIT Việt Nam) nhìn nhận, Kỳ thi tốt nghiệp THPT thay đổi đáng kể, từ một mô hình cứng nhắc, đồng nhất trở nên linh hoạt hơn.
Việc cho phép học sinh chọn môn thi phù hợp với sở trường được xem là bước tiến tích cực, mở ra hướng tiếp cận cá nhân hóa trong kỳ thi vốn hoàn toàn chuẩn hóa trước đây. “Việc đưa vào các môn thi tự chọn là bước cải tiến đáng kể, cho phép học sinh phát huy thế mạnh và lựa chọn những lĩnh vực mà các em tự tin nhất” - TS Scott McDonald bày tỏ.
Đồng quan điểm, ông Melvin Fernando, Trưởng phòng cấp cao phụ trách Hướng nghiệp và Quan hệ doanh nghiệp (Trường ĐH RMIT Việt Nam) nhận định rằng, cải cách lần này đã chuyển trọng tâm từ học thuộc lòng sang kiến thức ứng dụng và tư duy phản biện.
Học sinh được kỳ vọng sẽ thể hiện khả năng giải quyết vấn đề thực tiễn, với định dạng bài thi thay đổi đáng kể trong các môn như Toán và Ngữ văn. “Những thay đổi này giúp đánh giá năng lực học sinh một cách thực chất hơn.
TS McDonald cho rằng, mô hình kiểm tra truyền thống vốn nặng kiểu “được ăn cả ngã về không” và học thuộc lòng nên chưa đánh giá được việc học theo chiều sâu hay khả năng vận dụng thực tiễn.
“Phần lớn chúng ta học thuộc lòng kiến thức chỉ để đi thi, rồi vài tuần sau đó sẽ quên ngay. Vậy rốt cuộc, những bài kiểm tra đó đánh giá điều gì?" - TS McDonald nêu vấn đề, đồng thời đề xuất cách tiếp cận cân bằng hơn - giảm thiểu các câu hỏi trắc nghiệm và thay bằng những dạng đánh giá thông qua tình huống thực tế, bài tập phân tích, giải quyết vấn đề theo hoàn cảnh.
Theo TS McDonald, bậc phổ thông cần chú trọng hơn vào việc rèn luyện các kỹ năng nền tảng cho đại học và công việc, đặc biệt là tư duy phản biện và năng lực giải quyết vấn đề.
Những kỹ năng này thường bị bỏ qua trong các kỳ thi truyền thống, nhưng lại là yếu tố then chốt cho thành công ở bậc đại học và trong công việc. “Nếu chúng ta chuyển trọng tâm từ học thuộc lòng sang tính ứng dụng, kỳ thi sẽ thực sự giúp học sinh chuẩn bị tốt hơn cho những thử thách phía trước” - TS McDonald gợi mở.
Dù đánh giá cao những cải cách gần đây, ông Melvin Fernando cho rằng, vẫn còn dư địa để cải thiện. Ông đề xuất mở rộng hình thức đánh giá, giảm áp lực bằng các đợt kiểm tra thường xuyên trong năm học, lồng ghép các môn học tập trung vào nghề nghiệp như: kỹ năng sống, năng lực số hoặc khởi nghiệp, đồng thời đầu tư nhiều hơn vào sức khỏe tinh thần cho học sinh.
Theo ông Fernando, những thay đổi này không chỉ phản ánh đa dạng năng lực của học sinh, mà còn giúp giảm bớt áp lực nặng nề từ một kỳ thi duy nhất mang tính quyết định.
Dẫn ví dụ từ các nước lân cận, cụ thể là Hàn Quốc, TS Jung Woo Han, quyền Phó giám đốc phụ trách học thuật và chất lượng giảng dạy, Khối dịch vụ sinh viên và giáo dục (Trường ĐH RMIT Việt Nam) – chia sẻ, mô hình tuyển sinh đang thay đổi tại đất nước này, nơi ngày càng nhiều trường đại học xem xét thành tích của học sinh một cách toàn diện: từ quá trình học tập, hoạt động tình nguyện, dự án, vai trò lãnh đạo đến bài luận phản ánh bản thân bên cạnh kết quả học tập truyền thống.
Ngoài ra, Hàn Quốc còn có ngạch tuyển sinh riêng cho học sinh có thành tích nổi bật trong khoa học, thể thao hoặc nghệ thuật. Sự đa dạng hóa này giúp tăng tính công bằng trong tuyển sinh, giảm áp lực từ một kỳ thi duy nhất và khuyến khích học sinh phát triển toàn diện, gắn kết với cộng đồng.
TS Jung Woo Han khuyến nghị Việt Nam nên từng bước áp dụng mô hình đánh giá toàn diện, đặc biệt trong tuyển sinh đại học. Theo ông, cần có chính sách công nhận thành tích ngoài học thuật và hỗ trợ các trường phổ thông xây dựng hồ sơ học sinh xuyên suốt cấp học.
Việc mở rộng tiếp cận với dịch vụ tư vấn tâm lý, nhất là ở các khu vực nông thôn hoặc thiếu điều kiện, cũng rất cần thiết để đảm bảo nhìn nhận học sinh một cách toàn diện, chứ không chỉ với tư cách thí sinh.
Theo TS Jung Woo Han, Kỳ thi tốt nghiệp THPT vẫn là trọng tâm trong hệ thống giáo dục Việt Nam, nhưng cần phải chuyển đổi khi hướng tới tương lai. Một hệ thống đánh giá vừa ghi nhận thành tích, vừa khơi mở tiềm năng sẽ phản ánh đúng năng lực học sinh và quan trọng hơn, chuẩn bị cho các em thích nghi, phát triển trong một thế giới đang thay đổi không ngừng.