Ngoài ra, một số văn bản đã hết hiệu lực, một số quan hệ quan trọng chưa được điều chỉnh hoặc quy định chung chung, mờ nhạt, chưa phản ánh rõ đặc điểm nghề nghiệp đặc thù của đội ngũ nhà giáo.
Mặt khác, số lượng nhà giáo đang công tác tại các cơ sở giáo dục công lập chiếm tới 70% số lượng viên chức của cả nước; trong khi viên chức đang được điều chỉnh bởi Luật Viên chức.
Vì vậy, khi xây dựng Luật Nhà giáo cần phải giải quyết tốt mối quan hệ giữa Luật Nhà giáo và các quy phạm pháp luật hiện hành. Trong quá trình đề nghị xây dựng Luật Nhà giáo, Bộ GD&ĐT đã tổ chức nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, đánh giá tác động bước đầu của các chính sách dự kiến đưa vào dự thảo Luật với các quy định pháp luật hiện hành. Trong quá trình xây dựng Luật sẽ phải tiếp tục đánh giá kỹ hơn và có giải pháp xử lý những nội dung này.
Cán bộ quản lý, giáo viên mầm non cốt cán tham gia tập huấn, bồi dưỡng năm 2022. Ảnh: TG. |
* Theo ông, đâu là những vấn đề căn cốt cần đưa vào Luật Nhà giáo?
- Trong đề nghị xây dựng Luật Nhà giáo; Bộ GD&ĐT đã xác định những nội dung cơ bản cần được thể hiện trong Luật; đó là:
Thứ nhất, thể chế hóa quan điểm của Đảng coi “phát triển giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu” và vai trò, vị trí quan trọng của nhà giáo “Giáo viên là nhân tố quyết định chất lượng của giáo dục và được xã hội tôn vinh”.
Từ đó có các cơ chế, chính sách phù hợp để nhà giáo yên tâm công tác, gắn bó với nghề; thu hút được người giỏi trở thành nhà giáo; tạo vị thế vững chắc của nhà giáo trong xã hội; đồng thời là cơ hội để phát triển, nâng cao chất lượng đội ngũ, góp phần phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.
Thứ hai, khắc phục được những bất cập, tản mạn, chồng chéo của các quy phạm pháp luật hiện hành về nhà giáo; thiết lập hành lang pháp lý đầy đủ, đồng bộ, phù hợp với đặc điểm nghề nghiệp của nhà giáo; kiến tạo môi trường thuận lợi cho sự phát triển sáng tạo của nhà giáo trong một không gian văn hóa được trân trọng, tôn vinh, ghi nhận, phối hợp và hỗ trợ của toàn xã hội.
Cô - trò Trường THPT Lục Nam (Bắc Giang). Ảnh: NTCC. |
Thứ ba, quy định một số chính sách mới để thu hút, phát triển đội ngũ nhà giáo trong bối cảnh phát triển của khoa học công nghệ, chuyển đổi số và hội nhập quốc tế, thực hiện một trong ba đột phá chiến lược là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao - những công dân toàn cầu, phát triển kinh tế xã hội của đất nước; đảm bảo công bằng giữa nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập và ngoài công lập.
Xin cảm ơn ông!
“Việc ban hành một bộ luật riêng điều chỉnh về nhà giáo là mong muốn của đội ngũ nhà giáo cả nước và đã được đặt ra từ năm 2008. Nếu luật được Quốc hội thông qua sẽ nâng cao vị thế, vai trò nhà giáo, tạo hành lang pháp lý đồng bộ và toàn diện để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, bảo vệ quyền, lợi ích nhà giáo. Bên cạnh đó, luật này sẽ góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực; tạo bình đẳng giữa nhà giáo khu vực công lập và ngoài công lập” – ông Vũ Minh Đức.