Giáo dục quốc phòng

Những vũ khí tầm xa mà Ukraine muốn được dùng tấn công lãnh thổ Nga

18/09/2024 22:48

Ukraine liên tục yêu cầu phương Tây cấp phép cho quân đội nước này sử dụng vũ khí tầm xa của phương Tây tấn công lãnh thổ Nga, đó là những vũ khí nào và khả năng được chấp thuận đến đâu?

Những tháng gần đây, Ukraine liên tục yêu cầu được sử dụng vũ khí tầm xa của phương Tây để tấn công sâu hơn vào lãnh thổ Nga. Kiev lập luận rằng những vũ khí này sẽ giúp quân đội Ukraine tấn công các địa điểm quân sự có máy bay chiến đấu của Nga - vốn được Moscow sử dụng để phóng tên lửa vào các TP ở Ukraine.

Bất chấp lời kêu gọi từ Ukraine, Mỹ và đồng minh đến nay vẫn chưa đưa ra bất cứ thay đổi nào liên quan việc cho phép Kiev sử dụng vũ khí tầm xa.

Dưới đây là một số vũ khí trọng tâm trong các cuộc thảo luận giữa phương Tây và Ukraine và khả năng Kiev được sử dụng các vũ khí này tấn công Nga, theo tờ The New York Times.

Tên lửa hành trình Storm Shadows (SCALPs)

Anh và Pháp đã gửi cho Ukraine tên lửa hành trình phóng từ trên không mà Anh gọi là Storm Shadows và Pháp gọi là SCALPs. Cho đến nay tên lửa này đã tấn công các mục tiêu của Nga ở bán đảo Crimea và Biển Đen. Những tên lửa này có tầm bắn khoảng 250 km và được bắn từ phi đội máy bay chiến đấu của Ukraine có từ thời Liên Xô.

Anh rất muốn cho phép Ukraine sử dụng Storm Shadows để tấn công sâu hơn vào Nga. Trong cuộc gặp hôm 14-9 giữa Thủ tướng Anh Keir Starmer và Tổng thống Mỹ Joe Biden, ông Starmer thúc giục ông Biden chấp thuận kế hoạch để các đồng minh có thể “thể hiện một mặt trận thống nhất” trong việc ủng hộ Ukraine.

Tên lửa hành trình Storm Shadow/SCALP. Ảnh: REUTERS

Tên lửa hành trình Storm Shadow/SCALP. Ảnh: REUTERS

Về phía Pháp, trước đây Paris đã bày tỏ sự ủng hộ đối với các cuộc tấn công sâu của Ukraine vào Nga nhưng chỉ nhằm vào các mục tiêu quân sự có liên quan trực tiếp đến chiến sự.

Một số nhà phân tích dự đoán Mỹ sẽ tuân theo mô hình thường thấy với các yêu cầu vũ khí Ukraine, như xe tăng Abrams, máy bay chiến đấu F-16 và hệ thống phòng không Patriot, đó là: Sau nhiều lần cân nhắc, cuối cùng Washington cũng cho phép các đồng minh hành động trước trong việc cung cấp cho Ukraine các năng lực vũ khí hoặc giấy phép sử dụng vũ khí mới, và sau đó Mỹ thường sẽ nối gót.

Tên lửa đạn đạo chiến thuật ATACMS

Hệ thống tên lửa chiến thuật ATACMS là tên lửa tầm xa do Mỹ sản xuất, có thể chứa đến 170 kg thuốc nổ và có thể tấn công mục tiêu cách xa tới 305 km.

Mỹ đã cung cấp ATACMS cho Ukraine vào năm ngoái, nhưng đến nay chính quyền Tổng thống Biden vẫn chưa chấp thuận việc sử dụng hệ thống này tấn công ngoài biên giới Ukraine.

Tên lửa đạn đạo chiến thuật ATACMS. Ảnh: REUTERS

Tên lửa đạn đạo chiến thuật ATACMS. Ảnh: REUTERS

Các quan chức quân sự Mỹ và châu Âu cho rằng Nga hiện đã di chuyển 90% căn cứ không quân chứa máy bay ném bom ra khỏi tầm bắn của ATACMS, với dự đoán rằng Ukraine có thể sớm được phép sử dụng hệ thống này. Nga chưa bình luận thông tin.

Các chuyên gia cho rằng ATACMS có thể tấn công các hệ thống phòng không mặt đất của Nga nhắm vào phi đội F-16 mà Ukraine vừa được trang bị.

Tên lửa hành trình tầm xa JASSM

Tên lửa không đối đất tầm xa chung, hay JASSM, là tên lửa hành trình phóng từ trên không có tầm bắn khoảng 370 km. Những tên lửa này vẫn chưa được cung cấp cho Ukraine, nhưng một quan chức Mỹ nói với The New York Times rằng chính quyền ông Biden đang cân nhắc chuyển giao JASSM cho Kiev.

Tên lửa hành trình tầm xa JASSM-ER phóng từ tiêm kích F-16. Ảnh: KHÔNG QUÂN MỸ

Tên lửa hành trình tầm xa JASSM-ER phóng từ tiêm kích F-16. Ảnh: KHÔNG QUÂN MỸ

Tên lửa JASSM mang đầu đạn hơn 450 kg và có thể được bắn từ máy bay F-16. Điều này có nghĩa là với JASSM, Ukraine có thể tấn công các mục tiêu quân sự trong lãnh thổ Nga mà không cần rời khỏi không phận Ukraine.

Có thông tin rằng Ukraine đã nhận được khoảng 10 tiêm kích F-16 do Mỹ sản xuất vào mùa hè này, mặc dù các quan chức Ukraine chưa xác nhận con số cụ thể.

Một quan chức Mỹ nói rằng ngay cả khi ông Biden chấp thuận gửi tên lửa JASSM cho Ukraine, việc chuyển giao có thể mất nhiều tháng và không rõ liệu ông Biden có cho phép Ukraine phóng những tên lửa này vào Nga hay không.

Moscow cảnh báo hậu quả nếu phương Tây cho phép Ukraine sử dụng vũ khí tầm xa tấn công Nga
Ngày 12-9, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cảnh báo Mỹ và các đồng minh phương Tây về một “cuộc chiến” giữa Nga và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) nếu phương Tây cho phép Ukraine sử dụng vũ khí tầm xa tấn công Nga.
“Đây không phải là vấn đề Ukraine được phép hay không được phép tấn công các mục tiêu trên lãnh thổ Nga. Họ đã thực hiện các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái và các phương tiện khác. Nhưng sử dụng vũ khí chính xác tầm xa do phương Tây sản xuất lại là một câu chuyện hoàn toàn khác” - ông Putin nói.
Theo tổng thống Nga, nếu quyết định về vũ khí tầm xa được đưa ra, sẽ không khác gì sự tham gia trực tiếp của NATO vào cuộc chiến.
Ngày 14-9, Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga - ông Dmitry Medvedev nhắc lại lời cảnh báo của Tổng thống Putin, cho rằng Nga có đủ lý do để sử dụng vũ khí hạt nhân nhưng đến nay Moscow vẫn kiềm chế, theo đài RT.

Bài liên quan
Ngành răng hàm mặt Việt Nam sánh ngang với các nước trong khu vực
Ngành răng hàm mặt là một trong ít ngành không chỉ “giữ chân” người bệnh không ra nước ngoài khám, điều trị mà còn thu hút nhiều Việt kiều về Việt Nam thăm khám.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Những vũ khí tầm xa mà Ukraine muốn được dùng tấn công lãnh thổ Nga