Theo đó, có một số vướng mắc làm chậm tiến độ giải ngân tại Bình Dương là quy định pháp luật chồng chéo chưa được tháo gỡ; đền bù, giải phóng mặt bằng vẫn là điểm nghẽn chính; di dời hạ tầng kỹ thuật, nhất là hệ thống lưới điện còn chậm,… Cụ thể như dự án thành phần 6 - Bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đường Vành đai 3 - Thành phố Hồ Chí Minh, tiến độ chi trả bồi thường giải phóng mặt bằng bị ảnh hưởng do chậm phê duyệt đơn giá bồi thường đất; dự án Thiết bị Bệnh viện đa khoa 1.500 giường đang chờ Bộ Y tế ban hành hướng dẫn để xác định chi phí,…
Cần nhiều giải pháp
Trước tình trạng chậm tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi yêu cầu thành phố trước hết phải đảm bảo giải phóng mặt bằng; trong đó, các địa phương có khối lượng lớn cần phải tập trung; đồng thời, khẩn trương xây dựng kế hoạch triển khai gói nâng trần 99 nghìn tỷ đồng mà HĐND Thành phố Hồ Chí Minh vừa thông qua; trong đó, tập trung chuẩn bị hồ sơ đầu tư cho các dự án lớn, đặc biệt chú trọng các dự án nằm trong danh sách 50 chương trình, công trình tiêu biểu cấp thành phố chào mừng kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Đối với các dự án đến hết tháng 7/2023 nhưng chưa giải ngân vốn do nguyên nhân chủ quan, ông Phan Văn Mãi chỉ đạo trường hợp cần thiết sẽ xử lý trách nhiệm cá nhân, xem xét điều chuyển, bố trí lại nguồn vốn theo quy định. Đồng thời, cần đẩy nhanh tiến độ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư các dự án đầu tư xây dựng Dự án đường Vành đai 2, Vành đai 4, Cao tốc Mộc Bài - Thành phố Hồ Chí Minh, dự án rạch Xuyên Tâm,…
Theo quyền Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Tấn Đức, để đạt được tỷ lệ giải ngân nguồn vốn trên 95% kế hoạch như cam kết với Chính phủ, từ nay đến cuối năm, mỗi tháng tỉnh Đồng Nai phải giải ngân được trên 10% kế hoạch vốn. Do đó, các địa phương, các chủ đầu tư phải thực hiện tốt hơn nữa việc phối hợp trong quá trình triển khai các dự án. Các địa phương phải quy hoạch, đẩy nhanh tiến độ xây dựng các khu tái định cư, khẩn trương thực hiện công tác định giá đất. Các chủ đầu tư phải xây dựng kế hoạch giải ngân nguồn vốn chi tiết cho từng dự án.
Tại tỉnh Bình Dương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Nguyễn Văn Dành yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư cần tiếp thu và ghi nhận đầy đủ các kiến nghị của sở, ngành, các chủ đầu tư, kết hợp với điều kiện thực tiễn, rà soát lại và sớm tham mưu UBND tỉnh trong điều kiện có thể điều hòa vốn theo đúng quy trình, quy định và thẩm quyền thực hiện. Đối với các công trình trọng điểm như Quốc lộ 13, Vành đai 3,… các địa phương phải quyết liệt và khẩn trương thực hiện công tác giải tỏa, đền bù.
Bên cạnh đó, Sở Công Thương cần phải rà soát lại, khẩn trương, đôn đốc, nhắc nhở các đơn vị chủ đầu tư để đẩy nhanh tiến độ di dời lưới điện, tránh ảnh hưởng đến tiến độ của toàn dự án. Riêng đối với dự án Bệnh viện Đa khoa 1.500 giường, các sở, ngành liên quan cần tăng cường công tác phối hợp, khắc phục các khó khăn, vướng mắc để sớm đưa dự án đi vào vận hành theo đúng thời gian đề ra, không được chậm trễ.
Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công từ nay đến cuối năm 2023, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công, thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu đạt mục tiêu giải ngân từ 95 - 100% kế hoạch vốn năm 2023.
"Đẩy mạnh giải ngân đi đôi với bảo đảm chất lượng công trình, hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công. Thực hiện ngay và chủ động rà soát, đánh giá khả năng giải ngân của từng dự án để có phương án điều chỉnh kế hoạch vốn từ những dự án chậm giải ngân sang dự án giải ngân tốt còn thiếu vốn trong nội bộ của địa phương theo quy định…", Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu.