Theo người đứng đầu NATO, Thụy Điển đã hoàn thành nghĩa vụ của mình và trách nhiệm của các bên liên quan là tận dụng thời gian còn lại trước khi diễn ra hội nghị thượng đỉnh NATO tại thủ đô Vilnius của Litva vào tháng 7 tới để đạt được một thỏa thuận về việc Thụy Điển gia nhập NATO.
“Chúng tôi cũng đã thảo luận về việc Thụy Điển xin gia nhập NATO. Thổ Nhĩ Kỳ có những lo ngại chính đáng về an ninh. Không có đồng minh nào của NATO phải đối mặt với nhiều cuộc tấn công khủng bố hơn Thổ Nhĩ Kỳ, tuy nhiên Thụy Điển đã thực hiện các bước cụ thể quan trọng để đáp ứng những lo ngại của Thổ Nhĩ Kỳ. Bao gồm sửa đổi hiến pháp Thụy Điển, chấm dứt lệnh cấm vận vũ khí và đẩy mạnh tăng cường hợp tác chống khủng bố, bao gồm cả việc chống lại PKK (Đảng Công nhân người Kurd). Luật chống khủng bố mới đã có hiệu lực chỉ vài ngày trước, Vì vậy, Thụy Điển đã hoàn thành nghĩa vụ của mình”, ông Stoltenberg nói.
Bên cạnh những nỗ lực của người đứng đầu NATO, mới đây trong chuyến thăm tới Thụy Điển, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cũng tiếp tục “thúc giục” Thổ Nhĩ Kỳ đồng ý về việc gia nhập NATO của Thụy Điển. Ngoại trưởng Mỹ cho rằng, Thụy Điển đã có các bước đi cụ thể để giải quyết các quan ngại về an ninh của Thổ Nhĩ Kỳ. Do đó, bây giờ là thời điểm để các bên thông qua đơn gia nhập NATO của quốc gia Bắc Âu.
“Mỹ kêu gọi cả Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary phê chuẩn việc gia nhập NATO của Thụy Điển càng nhanh càng tốt. Không có lý do gì để kéo dài thêm thời gian. Thụy Điển hiện đã sẵn sàng. Quyết định đó cần được tiến hành ngay lập tức”, ông Blinken nhấn mạnh.
Có thể thấy cả Mỹ và các đồng minh NATO đang tăng cường nỗ lực thuyết phục ông Erdogan-người vừa có chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống ở Thổ Nhĩ Kỳ vào cuối tuần trước về việc Thụy Điển gia nhập NATO. Tuy nhiên, theo các chuyên gia đây sẽ là một vấn đề không hề dễ dàng. Khi mà trong bài phát biểu nhậm chức, Tổng thống Erdogan đã chỉ trích việc phương Tây sử dụng các công cụ chính trị và truyền thông để hỗ trợ phe đối lập trong cuộc bầu cử Tổng thống và Quốc hội vừa qua ở Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không được bỏ qua. Ngoài ra, Mỹ và châu Âu ủng hộ các nhóm người Kurd mà Thổ Nhĩ Kỳ coi là khủng bố cũng khiến ông Erdogan không hài lòng./.