“Cùng với sự tích cực, chủ động của ngành Giáo dục, việc các trường học, đơn vị chức năng trên địa bàn phối hợp hỗ trợ mở lớp dạy bơi miễn phí cho trẻ có ý nghĩa thiết thực. Đơn vị tiếp tục nhân rộng mô hình này để không chỉ trẻ em hưởng lợi mà còn tạo ra những giá trị khác từ cuộc sống an toàn của người dân”, bà Nga cho biết thêm.
Công ty Oxalis phối hợp với UBND thị trấn Phong Nha dạy bơi cho học sinh miền núi thuộc huyện Bố Trạch (Quảng Bình). Ảnh: Oxalis |
Nhằm giảm thiểu nguy cơ tai nạn do đuối nước, tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống tai nạn thương tích đối với trẻ em, tỉnh Quảng Bình cũng ban hành văn bản chỉ đạo ngành Giáo dục và các đơn vị liên quan triển khai hiệu quả việc phòng, chống tai nạn, thương tích, đuối nước cho trẻ em.
Trong đó, sở GD&ĐT chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh chú trọng xây dựng trường học an toàn phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em; thường xuyên giáo dục cho học sinh kỹ năng nhận biết biển cảnh báo, nguy cơ và biện pháp phòng tránh tai nạn, thương tích và kỹ năng tự bảo vệ an toàn giao thông, an toàn trong môi trường nước trong các giờ học giáo dục thể chất, sinh hoạt ngoại khóa tại trường học.
Thời gian qua, huyện Bố Trạch (Quảng Bình) có nhiều mô hình dạy bơi miễn phí cho học sinh và trẻ em. Ông Võ Hải Quân, Trưởng phòng GD&ĐT huyện cho hay, dịp hè, phòng GD&ĐT đều ban hành văn bản gửi các trường yêu cầu tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn cho học sinh tránh xa nơi nguy hiểm; hướng dẫn phụ huynh quản lý trẻ trong thời gian nghỉ hè…
Bên cạnh đó, trường học, địa phương phối hợp với đơn vị liên quan mở lớp dạy bơi trong và ngoài trường liên tục trong hè để trang bị kỹ năng bơi lội, phòng chống đuối nước cho học sinh. Cụ thể, một số trường ở thị trấn Hoàn Lão, xã ven sông Son đều tổ chức lớp dạy bơi. Tại xã Phúc Trạch hiện tổ chức 7 lớp học bơi thu hút hơn 150 em học sinh tham gia.
Đặc biệt, mùa Hè năm 2023, Công ty Oxalis phối hợp với UBND thị trấn Phong Nha tiếp tục tài trợ kinh phí dạy bơi cho 800 trẻ thuộc 8 xã ven sông Chày, sông Son, sông Rào Nan của 3 huyện Bố Trạch, Minh Hoá, Tuyên Hoá. Chương trình học bao gồm 18 tiết, mỗi tiết học kéo dài 45 phút, đảm bảo mỗi học sinh sẽ nhận được sự hỗ trợ nhanh chóng để phát triển kỹ năng bơi của mình.
Từ năm 2019 - 2022, hơn 500 em tham gia lớp dạy bơi và phòng chống đuối nước trên địa bàn Phong Nha và Tân Hoá. Tất cả trẻ biết bơi sau khi hoàn thành chương trình học.
Theo TS Lê Thị Hương, Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Trị, trước tình trạng nhiều học sinh bị đuối nước, tử vong trong thời gian qua, đơn vị đã ban hành kế hoạch xây dựng nghị quyết quy định về xã hội hóa bể bơi và phổ cập chương trình dạy bơi cho học sinh phổ thông trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023 - 2030. Tỉnh hiện có 14 bể bơi được đầu tư xây dựng theo hình thức này; 100% cơ sở giáo dục phổ thông có giáo viên môn Thể dục.
“Để giảm tình trạng đuối nước ở trẻ em, ngành Giáo dục và đơn vị liên quan sẽ tham mưu UBND tỉnh vận động, bố trí lồng ghép các nguồn lực để đầu tư bể bơi và dần đưa nội dung học bơi vào trường học”, lãnh đạo Sở GD&ĐT Quảng Trị nhấn mạnh.
Hằng năm, Sở GD&ĐT Quảng Trị tổ chức từ 1 - 2 lớp tập huấn giáo viên dạy bơi, 1 lớp hướng dẫn viên, nhân viên trực cứu đuối nước. Đồng thời, đơn vị tích cực huy động nguồn lực từ các chương trình dự án của tổ chức phi chính phủ như Swim Việt Nam, Tổ chức Vận động chính sách y tế toàn cầu (GHAI), Tổ chức Plan Việt Nam, Tổ chức Tầm nhìn thế giới tại Việt Nam… để tổ chức tập huấn nâng cao năng lực, kỹ năng dạy bơi cho đội ngũ giáo viên Giáo dục Thể chất, phấn đấu đến năm 2025 có 308 giáo viên dạy bộ môn này được tập huấn.
Nhờ đó, đến nay mô hình dạy bơi miễn phí cho trẻ ở Quảng Trị, đặc biệt vùng cao được nhân rộng, lan tỏa mạnh mẽ. Nhiều giáo viên bộ môn Thể dục đã dành phần lớn thời gian nghỉ hè của mình để dạy bơi miễn phí cho học sinh.