Đổ xô mở ngành hot mà thí sinh đang chuộng, trước mắt có lợi cho nhà trường, đó là sự thật. Phụ trách tuyển sinh một số cơ sở giáo dục đại học cho biết chỉ cần mở một ngành mới đang hot là có thể “nuôi” được chục ngành còn lại. Đó là lí do nhiều trường chuyên ngành đặc thù sẵn sàng mở 5 - 7 ngành hot mà trường bạn đang ăn nên làm ra, trong khi chỉ tiêu ngành truyền thống thì teo tóp. Mở thêm ngành hot cũng mang lại lợi ích trước mắt cho người học, góp phần rộng cơ hội xét tuyển, thoả mãn mong ước của thí sinh.
Thế nhưng nếu lạm dụng việc mở ngành hot, tạm dừng hay hạn chế chỉ tiêu đào tạo các ngành cơ bản, đặc thù cũng có thể gây nên thiếu thừa nhân lực trong tương lai. Đặc biệt, xu hướng này đang gây khó khăn trong việc tư vấn, hướng nghiệp cũng như công tác tuyển sinh các ngành đào tạo truyền thống.
Thực tế cho thấy, hiện nhiều ngành thuộc khối Khoa học cơ bản, Nông Lâm Thuỷ sản, Kinh tế biển… đang rất khó tuyển. Mới đây, ĐHQG TPHCM buộc có quyết định hỗ trợ học phí 35% cho sinh viên theo học các ngành học đặc thù, ngành khoa học cơ bản khó tuyển của ĐH KHXH&NV TPHCM khi trường này chuyển qua tự chủ tài chính như: Triết học, Tôn giáo học, Lịch sử, Địa lý, Thông tin - Thư viện, Lưu trữ học và nhóm ngành Ngôn ngữ (Italy, Tây Ban Nha, Nga). Trước đó, các trường như ĐH Nông Lâm TPHCM, ĐH Nha Trang… cũng gian nan xây dựng nhiều chính sách để kéo sinh viên vào ngành khó tuyển mà xã hội đang cần.
Trong bối cảnh hiện nay, giữ được những ngành truyền thống, đặc thù, xem ra khó hơn nhiều việc mở một ngành mới đang hot. Thế nhưng nếu chọn dễ, bỏ khó thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến cơ cấu nhân lực quốc gia. Vì thế, để giữ những ngành cơ bản, đặc thù xã hội đang cần, bên cạnh sự nỗ lực của các trường đại học, việc tăng cường công tác hướng nghiệp để học sinh thấy được giá trị ngành trong việc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, cần phải làm thật cẩn trọng, chính xác và thông báo rộng rãi dự báo về nhu cầu nguồn nhân lực trong giai đoạn sắp tới.