Chia sẻ với những khó khăn mà các địa phương đang phải đối mặt, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho rằng, lẽ ra sau mỗi học kỳ, mỗi năm chúng ta cần phải có những đánh giá, nhất là đánh giá sâu hơn về các hoạt động chuyên môn ở những nội dung cụ thể, để có cái nhìn tổng quan hơn về việc triển khai CT GDPT 2018.
“Công sức của 1,6 triệu nhà giáo và cán bộ quản lý đã quyết tâm thay đổi, vật lộn với dịch bệnh để thực hiện tốt nhiệm vụ của mình, triển khai CT GDPT 2018 đúng kế hoạch. Chúng ta đã đi được một phần đầu của chặng đường với nhiều gian nan. Trước mắt, còn nhiều việc phải làm, còn nhiều thách thức nhưng chúng ta đã đạt được những mục tiêu căn bản, bước đầu điều chỉnh đổi mới việc dạy học, kiểm tra, đánh giá…
Quang cảnh hội thảo. |
Những gì chưa làm được, chưa đạt được chỉ là một phần nhỏ so với những gì chúng ta đã làm được. Cái lo nhất chính là chúng ta không “vỡ trận” khi bắt đầu CT GDPT 2018 cũng là khi dịch bệnh bắt đầu. Đây chính là thành quả, sự cố gắng rất lớn của tập thể cán bộ, giáo viên toàn ngành”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhận định, trong giai đoạn đầu triển khai CT GDPT 2018 những chỉ đạo của Bộ GD&ĐT là tương đối kịp thời, tương đối bao quát, thậm chí nhiều vấn đề Bộ còn lường trước cả các tình huống phát sinh để triển khai CT GDPT 2018 tốt hơn.
"Chúng ta cũng cần phải động viên đội ngũ giáo viên, bởi những “chiến sĩ” trên mặt trận đổi mới của chúng ta không ai khác chính là họ. Vì vậy, đừng để giáo viên nào cảm thấy cô đơn trong việc “ra trận” này.
Mỗi địa phương phải đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, không để xảy ra và sẵn sàng xử lý khủng hoảng truyền thông. Chúng ta phải tiếp tục có thêm sự thuyết phục với chính quyền, địa phương, phụ huynh… Đặc biệt cần tạo sự đồng thuận của phụ huynh, phải xem đây là nhiệm vụ tối quan trọng trong tiến trình tiến tới thành công của CT GDPT 2018” – Bộ trưởng nhấn mạnh.
Nói về chặng đường tiếp tục sắp tới (giai đoạn còn lại), Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhắn nhủ 63 "tư lệnh địa phương" phải tiếp tục nêu cao ý chí, sự quyết tâm. Mỗi địa phương phải xác định rằng việc đổi mới toàn ngành và CT GDPT 2018 đang thực hiện là quyết tâm chính trị của Đảng, Nhà nước… Đây là mục tiêu không thể thất bại, không thể rút lui giữa chừng. Bởi theo Bộ trưởng, sự thành bại của chúng ta trong đổi mới giáo dục là con người, thành bại của con người, của quốc gia. Vì vậy, chúng ta không thể cho phép mình thất bại.
Để thực hiện CT GDPT 2018 một cách hiệu quả, bền vững trong giai đoạn còn lại, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn lưu ý các địa phương phải hết sức thận trọng và tránh tư tưởng cực đoan trong thực hiện.
“CT GDPT 2018 chuyển từ trang bị kiến thức sang phát triển năng lực phẩm chất cho học sinh. Chúng ta phải hết sức thận trọng và tỉnh táo trong việc triển khai 2 nội dung trên sao cho hài hòa nhất, vì nếu không có kiến thức thì sẽ không thể hình thành nên năng lực phẩm chất… Chúng ta cần phải tránh cực đoan trong thực hiện và triển khai chương trình (bỏ hổng việc trang bị kiến thức mà chuyển sang phát triển năng lực theo tỉ trọng không cân đối), nếu không chúng ta sẽ phải trả giá cho sai lầm” – Bộ trưởng lưu ý.
Với những vướng mắc liên quan đến thể chế, chính sách, Bộ trưởng cho rằng đây là nhóm việc cần phải tiếp tục rà soát, hỗ trợ và tháo gỡ cho địa phương, sẵn sàng và không ngần ngại điều chỉnh nếu có những điểm mâu thuẫn nảy sinh từ việc ban hành văn bản, hướng dẫn từ các bộ, ngành liên quan.
Bà Trần Thị Ngọc Châu, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nêu kiến nghị tại thảo luận nhóm. |
Việc triển khai các môn học mới (dù có thách thức) nhưng Bộ trưởng yêu cầu các địa phương phải cố gắng, vì nó mang tới luồng sinh khí mới cho ngành giáo dục. Dạy học tích hợp cũng vậy. Bộ trưởng lưu ý các địa phương phải xác định đây là việc không thể một sớm một chiều mà có ngay được, đừng quá hốt hoảng và căng thẳng mà cần sự bình tĩnh xử lý… Phân công từng học phần, modul theo thứ tự nếu chưa có điều kiện, nếu địa phương có điều kiện thì triển khai luôn việc dạy tích hợp (đi cùng với sự chuẩn bị là việc đào tạo từ các trường sư phạm).
Về cơ sở vật chất, Bộ trưởng đề nghị các địa phương quan tâm, tập trung chăm lo cho thư viện hơn. Bên cạnh đó, tiếp tục rà soát, sắp xếp cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông đảm bảo hiệu quả, phù hợp với điều kiện địa phương, đáp ứng nhu cầu giáo dục. Hoạt động kiểm tra đánh giá theo các hướng dẫn mới cũng phải hết sức lưu ý. Bởi theo Bộ trưởng đây là vấn đề chuyên môn, là những đánh giá theo chiều sâu nhất cho việc triển khai CT GDPT 2018 hiệu quả.