Tháng 12 vừa qua, cơ quan tình báo Ukraine báo cáo một đợt bùng phát dịch “sốt chuột” trong nhiều đơn vị của Nga ở khu vực xung quanh thị trấn Kupiansk, vùng Kharkiv. Báo cáo nói rằng dịch bệnh này lây từ chuột sang người, thông qua con đường “hít phải bụi phân chuột hoặc ăn phải đồ ăn có phân chuột rơi vào”.
Theo quân đội Ukraine, các triệu chứng của bệnh này gồm sốt, phát ban, hạ huyết áp, xuất huyết, nôn, đau lưng và khó tiểu.
Tình báo quân sự Ukraine đánh giá rằng dịch “sốt chuột” giảm đáng kể năng lực chiến đấu của binh lính Nga, nhưng không cho biết binh lính Ukraine có gặp vấn đề tương tự hay không.
Giới chức Ukraine không nêu tình hình cụ thể, nhưng con người có thể mắc rất nhiều loại bệnh khi sống cùng chuột, như tularemia (sốt thỏ), leptospirosis (xoắn khuẩn vàng da), và bệnh do virus hanta.
Tình trạng đó tương tự những gì binh lính trong Thế chiến II trải qua, khi chiến trường đầy chất thải và xác chết hôi thối tạo điều kiện cho chuột sinh sản nhanh chóng. Chuột hoạt động mạnh về đêm khi binh lính nghỉ ngơi, gây ra tình trạng căng thẳng nghiêm trọng.
Robert Graves, một nhà thơ người Anh từng chiến đấu trong chiến hào, kể lại trong hồi ký của mình rằng lũ chuột “xông lên từ dưới kênh, ăn xác chết và sinh sôi nảy nở rất nhiều”. Khi một sĩ quan mới đến, vào đêm đầu tiên, anh ta “nghe thấy tiếng động, lấy đèn pin soi lên giường thì thấy 2 con chuột trên chăn đang tranh giành nhau một bàn tay người”.
Binh lính Đức trong Thế chiến I tiêu khiển bằng cách bắt chuột. (Ảnh: Getty)
Trong Thế chiến I, số lượng chuột tăng mạnh khi chiến trường trì trệ, nên có lo ngại rằng cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine hiện nay cũng gặp phải tình trạng tương tự.
Ihor Zahorodniuk, một nhà nghiên cứu tại Viện Lịch sử quốc gia Ukraine, giải thích rằng chuột sinh sôi mạnh chúng sinh sản vào mùa thu, một phần vì tác động của chiến tranh.
“Ở nhiều nơi, cây trồng gieo từ mùa thu năm 2021 không được thu hoạch trong năm 2022, nên có rất nhiều thức ăn trên cánh đồng. Chuột sống nhờ thức ăn đó và sống sót qua mùa đông. Chiến tranh cũng xua những loài thiên địch của chuột, khiến chuột càng sinh sôi mạnh”, ông giải thích.
Không chỉ gây căng thẳng và bệnh tật cho binh lính, chuột còn phá hoại cả thiết bị quân sự. Kira kể rằng chuột chui qua các hộp kim loại và nhai nát dây điện, khiến hệ thống thông tin liên lạc bị gián đoạn.
“Chuột nhai mọi thứ: radio, bộ lặp tín hiệu, dây điện. Chuột chui vào ô tô và nhai dây điện nên ô tô không thể chạy được, chúng còn gặm cả bình xăng và bánh xe”, cô kể.