Họ nói về sự mệt mỏi, căng thẳng, lo lắng, sợ hãi và tội lỗi nhưng ý thức được việc cần sớm quay trở lại tiền tuyến.
Ác mộng và nỗi ám ảnh
Tiền tuyến khốc liệt khiến nhiều binh sĩ Ukraine bị sốc. Ảnh: AP
Cựu bác sĩ Hukovskyi cho biết, binh sĩ Ukraine không được luân chuyển thường xuyên. Khi xung đột kéo dài và hệ thống phòng thủ của Nga không bị xuyên thủng, áp lực ngày càng tăng với Kiev trong việc tuyển thêm quân mà không làm kiệt quệ nền kinh tế vốn khó khăn vì xung đột.
"Hơn 40 ngày là một khoảng thời gian quan trọng để các binh sĩ có thể ở lại và có cơ hội giữ được tinh thần khỏe mạnh", ông Hukovskyi nói. "Nhưng họ đang ở trong hoàn cảnh có thể bị điều động đi chiến đấu rất lâu, khiến họ phải chịu thêm nhiều chấn động, mệt mỏi trong chiến đấu".
Tham dự lớp học của ông Hukovskyi vào tháng trước có binh sĩ "DJ", cựu công nhân 50 tuổi đến từ miền trung Ukraine. "Tôi thường gặp những cơn ác mộng. Chúng khiến tôi kiệt sức. Khi có thời gian nghỉ ngơi, tôi không dám chợp mắt", binh sĩ DJ chia sẻ.
Cựu công nhân Ukraine cho biết, ông chưa chuẩn bị kỹ cho sự khốc liệt của cuộc xung đột. "Tâm lý của tôi không thể chịu đựng mãi", ông DJ nói và cho biết thêm rằng vị trí ông đóng quân ở mặt trận Lyman phải hứng chịu hỏa lực của Nga "24/7". Giống nhiều binh sĩ khác, ông DJ bị chứng rối loạn căng thẳng hậu chấn thương (PTSD).
Serhii Rostikov, trưởng nhóm kiểm soát căng thẳng của Lữ đoàn cơ giới số 21, cho biết, các binh sĩ sẽ tự quyết định xem có nên tới gặp bác sĩ hỗ trợ tâm lý hay không. Trong khi đó, một số chuyên gia nói rằng chỉ khi chỉ huy đơn vị khuyến nghị thì binh sĩ mới được hỗ trợ tâm lý.
"Sau khi bị pháo kích, tôi bắt đầu sợ phải quay lại vị trí chiến đấu", Dmytro, binh sĩ thuộc Lữ đoàn cơ giới số 21 của Ukraine, nói. "Tôi đã liên hệ với Rostikov để được giúp đỡ. Sau một thời gian điều trị, tôi không còn sợ hãi và có thể quay trở lại tiền tuyến. Tôi nghĩ, các binh sĩ cần được hỗ trợ tâm lý vì họ phải chịu đựng quá nhiều căng thẳng.