Nội bộ Israel bất đồng về những vấn đề liên quan xung đột Israel-Hamas, diễn biến có thể sẽ làm suy yếu chiến lược quân sự của nước này ở Dải Gaza trong giai đoạn quan trọng của cuộc xung đột, theo tờ The Wall Street Journal. Lãnh đạo
Ban lãnh đạo nội các thời chiến của Israel, gồm Thủ tướng Benjamin Netanyahu, Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant và lãnh đạo đảng đối lập Đoàn kết quốc gia Benny Gantz, đang có sự bất đồng công khai về 2 vấn đề nan giải nhất mà Israel phải đối mặt.
Hai vấn đề bao gồm: một là liệu Israel có nên đàm phán để chấm dứt xung đột và giải phóng con tin hay không; và hai là ai sẽ quản lý Gaza sau khi xung đột Israel-Hamas kết thúc.
Sự chia rẽ trong nội các thời chiến Israel phản ánh những bất đồng lâu năm về mặt cá nhân và công việc giữa những nhân vật này - những người vốn đã cùng đoàn kết để thành lập chính phủ thời chiến nhằm chống lại Hamas sau khi nước này bị tấn công vào ngày 7-10.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu (trái, ngoài cùng), Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant (giữa) và lãnh đạo đảng Đoàn kết quốc gia Benny Gantz trong cuộc họp báo hồi tháng 10-2023. Ảnh: ABIR SULTAN/AP
Tuy nhiên, khi áp lực từ chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden về việc thúc giục Israel bảo vệ và hạn chế thương vong cho dân thường ở Gaza ngày càng tăng, áp lực từ người dân trong nước khi đàm phán thả con tin tiến triển chậm, sự chia rẽ giữa các nhà lãnh đạo này đã xuất hiện.
Bất đồng giữa thủ tướng và bộ trưởng quốc phòng Israel
Dù nhất trí tiếp tục cuộc chiến nhưng Thủ tướng Netanyahu và Bộ trưởng Quốc phòng Gallant mâu thuẫn ngày càng nhiều về việc ai sẽ quản lý Gaza sau xung đột.
Đây là câu hỏi ngày càng trở nên cấp bách hơn khi Israel chuyển sang giai đoạn mới của cuộc chiến với cường độ quân sự thấp hơn và tìm cách ngăn chặn một khoảng trống quyền lực xuất hiện ở Gaza.
Hôm 15-1, ông Gallant nói rằng “sự thiếu quyết đoán chính trị” về việc ai sẽ chịu trách nhiệm Gaza sau xung đột sẽ làm tổn hại đến chiến dịch quân sự.
Trong kế hoạch đưa ra vào tháng này, ông Gallant kêu gọi trao quyền tự quản cho người Palestine và lập lực lượng đặc nhiệm đa quốc gia do Mỹ dẫn đầu, cùng với các đối tác châu Âu và Trung Đông, để giám sát việc khôi phục Gaza. Trong vấn đề này, Mỹ cũng muốn Chính quyền Dân tộc Palestine được tiếp thêm sức sống mới để tiếp quản Gaza với sự giúp đỡ từ các nước Ả Rập.
Còn ông Netanyahu, dưới áp lực từ các đối tác liên minh cực hữu nhằm ngăn Chính quyền Dân tộc Palestine quản lý ở Gaza, cho đến nay vẫn chưa đưa ra được tầm nhìn rõ ràng về quản trị thời hậu chiến ở khu vực này.
Phong trào vũ trang Hồi giáo Hamas (kiểm soát Dải Gaza, Palestine) dường như đang tìm cách khai thác sự bất đồng này.
Hôm 15-1, Hamas công bố một đoạn video có 2 thi thể mà nhóm nói rằng đó là xác của hai con tin bị giữ ở Gaza. Con tin thứ ba - cô Noa Argamani, 26 tuổi, là người còn sống trong video, nói rằng 2 con tin trên thiệt mạng trong các cuộc không kích của Israel và kêu gọi chính phủ Israel chấm dứt xung đột.
Bà Mairav Zonszein - chuyên gia cấp cao về Israel tại Tổ chức Khủng hoảng Quốc tế (Bỉ - nghiên cứu về xung đột bạo lực và các chính sách ngăn chặn xung đột) cho rằng sự bất đồng trong nội các thời chiến của Israel đang tạo ra một kiểu tê liệt, khiến chính phủ không thể thực hiện chiến lược hiệu quả.
Theo chuyên gia này, cuộc chiến có thể kết thúc bằng việc Israel tái chiếm Gaza, giống như việc nước này đã kiểm soát miền nam Lebanon trong 15 năm kể từ những năm 1980.
Bà Zonszein cho rằng tính toán của ông Gallant có thể dựa trên sự kết hợp giữa các tính toán chính trị và quân sự khi ông công khai chống lại ông Netanyahu vì đã từ chối thảo luận về kế hoạch cho tương lai Gaza.
Bất đồng về vấn đề con tin, chiến dịch quân sự
Về vấn đề con tin, dưới áp lực từ gia đình các con tin bị Hamas bắt sang Dải Gaza, lãnh đạo đảng đối lập Đoàn kết quốc gia - ông Gantz và cấp phó của ông là ông Gadi Eisenkot, đang nỗ lực đàm phán với Hamas để trả tự do khoảng 130 con tin hiện đang bị giam giữ.
Trong khi đó, ông Netanyahu và ông Gallant, đều thuộc đảng cầm quyền Likud, cho rằng việc duy trì áp lực quân sự đối với Hamas sẽ buộc nhóm này phải nhượng bộ.
Ông Reuven Hazan - thành viên khoa Khoa học chính trị tại ĐH Do Thái (Israel) nhận định có thể thấy rõ trong nội bộ ban lãnh đạo nội các thời chiến có sự khác biệt.
“Nếu cục diện tùy vào ông Gantz và ông Eisenkot và ngày mai Hamas đưa ra lời đề nghị chấm dứt xung đột để đổi lấy việc thả tất cả con tin thì họ sẽ làm như vậy. Ngược lại, ông Netanyahu sẽ nói không” - ông Hazan nói.
Những người biểu tình ở Tel Aviv (Israel) kêu gọi thả các con tin Israel bị giam giữ ở Gaza. Ảnh: ALEXANDRE MENEGHINI/REUTERS
Về chiến dịch quân sự, ngày 15-1, ông Gallant cho biết giai đoạn giao tranh khốc liệt nhất đã kết thúc ở phía bắc Gaza, đồng thời nói thêm rằng quân đội Israel sắp hoàn thành cuộc giao tranh dữ dội ở phía nam Gaza, đặc biệt là ở xung quanh TP Khan Younis.
Trong khi đó, sau phát biểu của ông Gallant, người phát ngôn Lực lượng phòng vệ Israel - ông Daniel Hagari nói rằng giao tranh ở miền nam “sẽ mất thời gian” và cuộc chiến sẽ kéo dài.
Ông Hagari cho biết lực lượng Israel có nhiều việc phải làm hơn cả trên mặt đất và dưới mặt đất, trong mạng lưới đường hầm rộng lớn do Hamas xây dựng.
Chiến dịch quân sự của Israel đã bước sang tháng thứ tư, phá hủy nhiều khu vực ở Gaza, khiến gần hai triệu người phải di dời và dẫn đến tình trạng thiếu lương thực và thuốc men trên diện rộng. Theo chính quyền Palestine, hơn 24.000 người Palestine đã thiệt mạng kể từ khi xung đột bùng nổ, phần lớn trong số họ là phụ nữ và trẻ em.
Israel cho biết lực lượng nước này đã hạ hàng nghìn chiến binh Hamas và làm suy giảm khả năng của nhóm này trong việc tấn công chống lại Israel.
Tuy nhiên, Israel vẫn chưa đạt được mục tiêu chiến dịch ban đầu là tiêu diệt hoàn toàn Hamas. Quân Israel vẫn đang nỗ lực tìm kiếm và phá hủy các đường hầm được cho là nơi lãnh đạo Hamas ở Gaza - ông Yahya Sinwar và những nhân vật khác của Hamas đang ẩn náu.