Nỗi buồn nhà vệ sinh trường học nông thôn

Đức Trí | 26/09/2022, 10:10
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Chất lượng các công trình nhà vệ sinh trường học đang có sự chênh lệch đáng kể giữa trường nông thôn và thành thị. 

Nỗi buồn nhà vệ sinh trường học nông thôn ảnh 1
Nhà vệ sinh Trường Tiểu học xã Thanh Vân (Quản Bạ, Hà Giang) được sơn sửa tạo cảm giác thân thiện. Ảnh: NTCC

Không để trở thành nỗi “ám ảnh”

Trong bối cảnh kinh phí dành cho giáo dục vẫn “nhìn trước, ngó sau”, giải pháp được các trường hướng tới là xây dựng nhỏ để tăng cường số lượng, bên cạnh đó nâng cấp, duy tu các nhà vệ sinh hiện có; làm tốt công tác vệ sinh hàng ngày...

Từ khi có nhà vệ sinh mới, Trường Tiểu học xã Thanh Vân (Hà Giang) tăng cường rèn luyện kỹ năng cho học sinh khi tham gia vệ sinh chung; đặc biệt các khối lớp (3, 4, 5) lên lịch dọn dẹp và phân chia đều để thực hiện. Tăng cường nguồn nước sạch phục vụ vệ sinh, sử dụng hàng ngày.

Để công trình vệ sinh không xuống cấp, dù các khoản chi tiêu chung được siết chặt nhưng nhà trường vẫn dành một khoản để hút bể phốt, thay thiết bị khi bị hỏng. Giáo viên mỹ thuật góp sức sơn sửa trang trí lại bên ngoài để nhà vệ sinh thân thiện với trò...

Là trường học có trên 1.000 học sinh, Ban Giám hiệu Trường Tiểu học Phan Đình Giót (Thanh Xuân, Hà Nội) khẳng định luôn coi trọng yếu tố phục vụ. Làm sao để học trò được tận hưởng cơ sở vật chất tốt nhất trong quá trình học tập, phụ huynh yên tâm khi trao gửi con em cho nhà trường…

Do đó, để khu vực nhà vệ sinh luôn sạch sẽ, trường tăng cường dọn dẹp. Khâu vệ sinh không tiến hành theo các ca sáng, trưa, chiều… mà sau từng tiết, thậm chí ngay sau khi học sinh sử dụng. Ngoài ra, trường lắp đặt các thiết bị vệ sinh thân thiện, phù hợp với yêu cầu sử dụng của học sinh tiểu học…

“Nhà vệ sinh mới, đẹp đến mấy nhưng công tác vệ sinh, tu sửa không được tiến hành khoa học, kịp thời… theo thời gian cũng xuống cấp, mất vệ sinh. Vì vậy, công tác vệ sinh được trường quan tâm sát sao, tạo cảm giác thoải mái, thân thiện, không để học trò nhịn hay sợ đi vệ sinh tại trường...”, cô Nguyễn Thị Kim Ngọc, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phan Đình Giót trao đổi.

Đối với Trường Tiểu học Quyết Tiến (Quản Bạ, Hà Giang), vấn đề thiếu nước cho công tác vệ sinh đang trở thành “nút thắt” trong duy trì chất lượng nhà vệ sinh học đường. Chia sẻ giải pháp, thầy Phạm Như Ý, Hiệu trưởng cho hay, thời gian tới một mặt đầu tư kinh phí để thông hút, mặt khác tăng cường nguồn nước sạch bằng cách khoan giếng, dẫn nước từ sông. Đưa hoạt động vệ sinh của các lớp vào đánh giá thi đua hàng tháng. Giáo viên cũng lồng ghép kỹ năng sử dụng nhà vệ sinh để dạy học sinh nhằm nâng cao ý thức bảo vệ công trình vệ sinh chung…

Việc đảm bảo số lượng, chất lượng nhà vệ sinh trong mỗi trường học theo chuẩn không dễ với cả trường thành thị lẫn nông thôn khi quỹ đất, đầu tư… còn hạn hẹp. Hình ảnh nhà vệ sinh sạch đẹp như trong khách sạn chỉ “lốm đốm” ở các trường ngoài công lập. Các trường công lập vẫn đang nỗ lực tìm giải pháp thỏa đáng… - Thầy Phạm Như Ý (Hiệu trưởng Trường Tiểu học Quyết Tiến, Hà Giang)

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/noi-buon-nha-ve-sinh-truong-hoc-nong-thon-post609200.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/noi-buon-nha-ve-sinh-truong-hoc-nong-thon-post609200.html
Bài liên quan
Nhà vệ sinh trường học: Từ nhu cầu nhỏ đến…  ám ảnh lớn
Ở đô thị, khu vệ sinh học đường luôn được quan tâm, đầu tư nhằm mang tới sự thuận lợi, thoải mái nhất.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nỗi buồn nhà vệ sinh trường học nông thôn