- Trước hết, thực tế là hiện nay, nhiều trường học chưa đạt yêu cầu về vệ sinh, bao gồm cả thiết kế, tình trạng giữ gìn vệ sinh chưa sạch sẽ, cũng như không đủ số lượng nhà vệ sinh. Ra chơi là thời điểm trẻ đi vệ sinh nhiều nhất. Tuy nhiên, không phải trẻ nào cũng có thể đi vệ sinh trong giờ ra chơi, do số lượng buồng vệ sinh ở trường có hạn. Trong khi đó, vào giờ học, nếu trẻ có nhu cầu đi vệ sinh, đôi khi, giáo viên sẽ không cho các em ra ngoài. Do đó, nhà trường cần bố trí theo tiêu chuẩn thiết kế, đủ số hộ đi vệ sinh cho các em. Đồng thời, cần bố trí bồn cầu thích hợp với trẻ em, thường xuyên dọn vệ sinh, đủ giấy cũng như nước để đi vệ sinh.
Nhiều trẻ ở nhà đi bồn cầu bệt, nhưng đến trường phải ngồi xổm. Đó cũng là một lý do khiến các em không đi vệ sinh ở trường. Ngoài ra, trẻ mập, béo phì cũng không thể đi vệ sinh ở hố xí xổm. Vì vậy, điều cần thiết là nhà trường phải làm khảo sát, quan tâm về các vấn đề đó. Đồng thời, phải hướng dẫn đi tiêu cho trẻ em. Trẻ em mới vào lớp 1 cần được giới thiệu, làm quen với nhà vệ sinh ở trường. Nhà trường nên hướng dẫn trẻ cách giữ vệ sinh, dùng giấy vệ sinh, dùng nước như thế nào…
Điều quan trọng là phải để các em tập đi vệ sinh trong môi trường mới. Bởi, nhiều trẻ quen đi vệ sinh ở nhà. Trong khi đó, vệ sinh trường là hố xí xổm, trẻ có thể sợ bị ngã, trơn nên trượt chân… Trước mắt, nhà trường phải đảm bảo điều kiện vệ sinh theo tiêu chuẩn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cũng như hướng dẫn của Bộ Y tế, cả về số lượng và chất lượng.
Không chỉ vậy, phụ huynh cũng phải chung tay với nhà trường. Trong bối cảnh nhà trường không đủ cơ sở vật chất, phụ huynh có thể đóng góp để xây dựng cơ sở vật chất. Việc đóng tiền cho trẻ em đi vệ sinh là chính đáng. Với trẻ tiểu học, nhà trường phải có người dọn vệ sinh. Trong khi đó, với trẻ học THCS trở lên, nhà trường có thể phân công các em trực vệ sinh, hoặc có ngày lao động công ích. Học sinh THPT có thể tham gia dọn vệ sinh, với điều kiện được hướng dẫn đảm bảo vệ sinh.
Ảnh minh họa/ INT |
- Phụ huynh có thể làm gì để giúp trẻ phần nào vượt qua tâm lý e ngại đi vệ sinh tại trường, thưa ông?
- Với trẻ nhỏ, cha mẹ phải làm công tác tâm lý như: Hôm nay đi học, con phải đi vệ sinh ở trường, không được nhịn. Bởi, nếu nhịn vệ sinh sẽ ảnh hưởng, nguy hiểm tới sức khỏe. Cha mẹ có thể tập cho trẻ đi đại tiện ở nhà trước hoặc sau khi tới trường. Nhờ vậy, giúp trẻ hạn chế đại tiện ở trường. Về tiểu tiện, nhiều trẻ không dám uống nước, sẽ gây sỏi thận, ảnh hưởng thận.
Do đó, phụ huynh phải hướng dẫn trẻ uống nước ở trường hoặc mang nước đi. Phụ huynh cũng nên hướng dẫn trẻ tiểu tiện. Đồng thời, có thể trao đổi với giáo viên, nếu trẻ còn e ngại đi vệ sinh ở trường. Trẻ em không phải lúc nào cũng tuân thủ được kỷ luật đi vệ sinh đúng giờ. Nhất là phải làm công tác hướng dẫn cho trẻ em, đặc biệt là bé lớp 1, lớp 2, cũng như bé gái.
Bên cạnh đó, cha mẹ phải hướng dẫn cho trẻ kỹ năng đi vệ sinh. Kỹ năng này không phải hình thành trong 1 ngày, mà là một thói quen. Phụ huynh cần hướng dẫn trẻ đi vệ sinh từ việc lau giấy. Bởi, không ít cha mẹ lau, vệ sinh hộ trẻ khi con ở nhà. Cha mẹ nên hướng dẫn trẻ lau từ trước ra sau. Việc lau từ sau ra trước có thể khiến vi khuẩn xâm nhập vào cơ quan sinh dục, đường tiết niệu, gây viêm. Thậm chí, trẻ có thể mang giấy trong cặp và sử dụng khi đi vệ sinh ở trường. Không phải lúc nào nhà trường cũng có giấy vệ sinh. Nhiều khi đưa giấy vệ sinh vào, nhưng các em nghịch hoặc làm rơi.
- Xin cảm ơn ông!
Cha mẹ đóng vai trò rất quan trọng trong việc hướng dẫn đi vệ sinh cho trẻ, đặc biệt là các em gái. Nhiều trẻ em gái sợ đông người không dám đi. Do đó, nhà trường cần bảo đảm an ninh, an toàn, tránh trường hợp trẻ em trai hoặc biến thái chạy vào nhà vệ sinh nữ. Để làm được những điều đó, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường và gia đình. Việc xây dựng thói quen, kỹ năng đi vệ sinh, cũng như giữ vệ sinh ở trẻ phải được xây dựng bởi cả nhà trường và phụ huynh.