Không khó để thấy ở nhiều khu vực công cộng, người dân vẫn không có ý thức ứng xử với không gian chung. Xả rác, cãi cọ, bạo lực, chen lấn… diễn ra như cơm bữa.
Ở nhiều điểm, muốn vứt rác đúng nơi quy định cũng không có thùng rác, người dân và khách du lịch muốn vệ sinh đúng chỗ cũng không có nhà vệ sinh. Hệ quả là 2 bên bờ sông Tô Lịch, nhiều gốc cây, cột điện và các hàng rào tôn khu dự án trở thành điểm xả rác và WC bất đắc dĩ.
Không ai dám khẳng định việc triển khai quy tắc ứng xử là dễ dàng, đặc biệt trong một xã hội phức tạp mà các giá trị luân lý đang bị phai mờ. Tuy nhiên, cũng không thể thực hiện quy tắc ứng xử theo hướng phong trào. Bởi vì phong trào hết, các quy tắc ứng xử cũng không còn.
Văn hoá là một quá trình giáo dục rèn luyện và tu dưỡng lâu dài. Hệ giá trị văn hoá của Hà Nội hay bất kỳ một vùng đất nào được hình thành cũng phải dựa trên yếu tố truyền thống và các giá trị truyền thừa.
Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan và Quy tắc ứng xử nơi công cộng được ban hành là cần thiết. Tuy nhiên, quy tắc chỉ là một trong những thành tố để hình thành thói quen tốt, vì cộng đồng chứ chưa hẳn đã là “cốt tuỷ” để hình thành văn hoá.
Nếu như vật chất quyết định ý thức, thì việc đầu tiên Hà Nội cần làm là thiết lập đủ thùng rác và nhà vệ sinh – đáp ứng nhu cầu tối thiểu để người dân được thực hiện đúng quy tắc.