YouTube là công ty nước ngoài, có luật chơi riêng nhưng phải tuân thủ luật pháp của mỗi quốc gia. Quốc ca không phải một ca khúc thông thường, để mua đi bán lại như cách mà những kẻ coi thường quốc thể đang cố phá huỷ.
Các đơn vị sai phạm có thể dẫn dắt dư luận bằng luật Sở hữu trí tuệ, nhưng không thể chối cãi trách nhiệm khi bất chấp luật pháp để nhận vơ bản quyền. Và cần nhắc lại một lần nữa, rằng Tiến quân ca – Quốc ca Việt Nam là sở hữu của Tổ quốc và nhân dân Việt Nam.
Chúng ta hay nói về văn hoá, nhưng văn hoá ở đâu khi Quốc ca cũng phải im lặng!?.
Chúng ta nói về việc chấn hưng văn hoá, nhưng chấn hưng thế nào khi quốc thể bị bào mòn, bị chèn ép?.
Không chỉ phải xử lý các cá nhân, tổ chức xâm hại quốc thể, xâm phạm tài sản quốc gia mà còn phải xem xét trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước. Nếu Quốc ca là tài sản quốc gia, tại sao lại cấp phép cho tổ chức hay cá nhân doanh nghiệp để đến nỗi Quốc ca phải tắt tiếng?.
Tiên trách kỷ, hậu trách nhân – dù là tổ chức nào khiến cho Quốc ca phải im lặng, thì trách nhiệm đầu tiên ở chính cơ quan quản lý nhà nước. Đơn vị nào được giao quản lý thì đơn vị đó phải chịu trách nhiệm trước Tổ quốc và Nhân dân.
Điều đó không cần nghị bàn.