Cố đô Huế cũng là một trong những địa phương đi đầu trong việc xây dựng hệ thống chính sách để khuyến khích, tạo điều kiện cho việc thành lập một số bảo tàng ngoài công lập. Bởi vậy, sự đặc sắc và đa dạng của văn hoá Huế ngày càng được lan toả bởi các bảo tàng với chuyên đề trưng bày đặc trưng, mà không gian gốm sông Hương là một ví dụ.
Độc đáo sông Hương
TS. Phan Thanh Hải - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Thừa Thiên – Huế, cho hay: “Sưu tập gốm sông Hương của cố họa sĩ Thái Nguyên Bá và GS.TS Thái Kim Lan không chỉ quý giá mà còn rất đẹp, đầy đủ các loại hiện vật tiêu biểu cho hầu hết các thời kỳ lịch sử. Và gần đây, do những cơ duyên đặc biệt, một số hiện vật có giá trị của nhà nghiên cứu Hồ Tấn Phan đã được tích hợp vào bộ sưu tập này, khiến nó càng thêm phong phú và quý giá”.
Theo ông Hải,vừa qua hội đồng chuyên môn của Sở có buổi làm việc thẩm định đề án thành lập Bảo tàng gốm sông Hương. Các thành viên hội đồng đã thống nhất thông qua đề án thành lập bảo tàng. Thủ tục đang được hoàn tất để trình UBND tỉnh ra quyết định thành lập.
Hiện tại, GS.TS Thái Kim Lan đã có trong tay 4 bộ sưu tập quý gồm: Bộ sưu tập gốm sông Hương, bộ sưu tập áo dài triều Nguyễn, bộ sưu tập đồ đồng, bộ sưu tập đồ gỗ.
“Trước mắt, tại đây sẽ xây dựng Bảo tàng gốm sông Hương, nhưng sau này sẽ phát triển thêm và mong muốn trở thành Bảo tàng sông Hương để mở rộng nội dung và quy mô hơn”, GS.TS Thái Kim Lan cho biết.
Với những gì đang có, GS.TS Thái Kim Lan cho biết, bản thân bà chưa thấy con sông nào có lớp trầm tích dày đặc, kéo dài cả không gian lẫn thời gian như sông Hương. Trong số các “dòng sông cổ vật” nổi tiếng ở Việt Nam, có lẽ sông Hương là một trường hợp độc đáo và hiếm thấy nhất.
Không gian trưng bày hiện vật của bảo tàng có diện tích khoảng 500m2, với bốn nội dung. Không gian một với chủ đề “Sông Hương dưới góc nhìn địa văn hóa”; không gian hai “Đi tìm thời gian đã mất”; không gian ba với chủ đề “Sông Hương kể chuyện” và không gian bốn là “Gốm cổ trong đời sống xưa và nay”.
Gần 5000 hiện vật gốm cổ đang lưu giữ là hiện vật được trục vớt, lặn tìm từ dòng sông Hương. Trong đó, còn có những hiện vật gốm từng được sản xuất từ làng cổ Phước Tích. Những hiện vật sẽ được sắp xếp với không gian trưng bày phù hợp, theo từng chuỗi câu chuyện về dòng sông Hương.
Bảo tàng gốm sông Hương, hay các bảo tàng tư nhân khác có thể tồn tại lâu dài và phát huy chức năng hữu hiệu. TS. Phan Thanh Hải cho rằng, từ kinh nghiệm thực tiễn là các bảo tàng ngoài công lập cần kết hợp với dịch vụ thích hợp để đáp ứng nhu cầu của du khách, vừa tạo ra nguồn lợi duy trì hoạt động.
“Bảo tàng là một hạ tầng lịch sử văn hóa, giúp cho giới trẻ hiểu thêm về lịch sử Huế. Với du khách nước ngoài, để họ thấy được chúng ta có “của báu” ở trong nhà của người Việt Nam. Qua đó, người trẻ sẽ có được niềm tự hào về bản sắc văn hóa”. – GS.TS Thái Kim Lan.