Công nghiệp văn hoá và cơ hội của Việt Nam

T. Hoà | 18/11/2021, 09:32
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Công nghiệp văn hoá được các nước bàn tới và quan tâm đặc biệt. Đây cũng là cơ hội của Việt Nam trong việc quảng bá bản sắc văn hoá ra thế giới.

Mới đây, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã phê duyệt Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030, trong đó hướng tới ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp văn hóa.

cong-nghiep-van-hoa.jpg
Công nghiệp văn hoá và cơ hội của Việt Nam

Công nghiệp văn hoá là một phần của ngành công nghiệp sáng tạo. Tổ chức quốc tế UNESCO định nghĩa công nghiệp văn hoá thuộc về sự sáng tạo.

Các ngành công nghiệp văn hóa, gồm: Nguyên tác, âm nhạc, truyền hình, sản xuất phim và xuất bản cũng như các ngành nghề thủ công và thiết kế. Với một số nước thì kiến trúc, các loại hình nghệ thuật biểu diễn, thể thao, quảng cáo và du lịch cũng được xếp vào nhóm các ngành công nghiệp văn hóa.

Các ngành công nghiệp văn hóa ở các nước phát triển đã và đang thích ứng với công nghệ kỹ thuật số, cùng chính sách quốc gia. Những nhân tố này thay đổi hoàn toàn phạm vi mà các thương phẩm văn hóa, dịch vụ và vốn đầu tư dịch chuyển giữa các quốc gia. Do vậy, công nghiệp văn hoá đang trải qua một quá trình quốc tế hóa, phát triển không ngừng.

Tại nước ta, Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030, trong đó ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp văn hóa có tiềm năng, lợi thế.

Việt Nam có lợi thế đặc biệt về truyền thống văn hoá Á Đông. Điều này sẽ khích lệ những người đang khai thác văn hóa dân gian, bản sắc truyền thống phát triển công nghiệp văn hóa, góp phần đưa hình ảnh về một Việt Nam giàu bản sắc ra thế giới.

Thời gian gần đây, công chúng nhận ra trong nhiều sản phẩm văn hoá có bóng dáng, hơi hướng của văn hoá dân gian. Nhiều bộ phim có kịch bản lồng ghép tính truyền thống văn hoá. Đó không chỉ là trang phục, cảnh quay, mà còn lời thoại với ca dao, tục ngữ, cách ứng xử giao tiếp.

Trong ngành thiết kế, nhiều bộ trang phục truyền thống được phục dựng đẹp mắt và hài hoà với ý nghĩa lịch sử. Giới trẻ cũng không còn xa lạ với những chi tiết hoa văn trang phục của các dân tộc ít người.

Đặc biệt, trong ngành xuất bản có nhiều sản phẩm được đầu tư công phu bằng nhiều thứ tiếng. Đó có thể sách về Chèo, Tuồng, Xẩm hay đơn giản chỉ là giới thiệu về nhạc cụ, phục trang của sân khấu truyền thống Việt Nam.

Các tour du lịch mang ý nghĩa làng nghề, lễ hội, tìm hiểu phong tục tập quán cũng được chú ý và thu hút đông đảo khách quốc tế.

Lĩnh vực triển lãm văn hoá cũng hoạt động mạnh mẽ, quảng bá các sản phẩm sáng tạo của Việt Nam ra thế giới. Mới đây, nhà triển lãm Việt Nam mang thông điệp “Hội tụ quá khứ, lan tỏa tương lai” trong khu tổ hợp EXPO 2020 tại Dubai, Các Tiểu Vương quốc Ả-rập Thống nhất đã đón bạn bè quốc tế tới tham quan, và để lại dấu ấn đặc biệt.

Thế giới đang thay đổi chiến lược, văn hoá trở thành điểm tựa phát triển, gây ảnh hưởng và giành vị thế. Công nghiệp văn hoá trở thành “vũ khí” để các nước chiếm thế thượng phong.

Thời công nghiệp văn hoá đã đến, Việt Nam cần xác định “nguồn vốn” bản sắc để xuất khẩu văn hoá. Nhà nước, ngoài chiến lược đã xác định thì cần hoàn thiện chính sách, với những cơ chế mở để các nhà đầu tư sẵn sàng tham gia vào lĩnh vực công nghiệp văn hoá.

Bài liên quan
Chiêm ngưỡng Hoàng thành Thăng Long - Di sản văn hóa thế giới
(GDTD) - Hoàng thành Thăng Long là quần thể kiến trúc đồ sộ được xây dựng bởi nhiều triểu đại. Đây là di tích quan trọng bậc nhất trong hệ thống các di tích Việt Nam. Năm 2010, UNESCO công nhận nơi đây là Di sản văn hóa thế giới.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Công nghiệp văn hoá và cơ hội của Việt Nam