Vậy người ngoài nhận diện người Việt và văn hoá Việt ra sao?
Đã có thời gian, người ta nói vui với nhau rằng, sang nước ngoài thấy anh nào khạc nhổ, trộm cắp vặt, xả rác bừa bãi, ăn tục chửi thề… thì 99% là người Việt.
Nói vui, nói đùa nhưng thực ra rất thật! Nó để lại nỗi đau và hình ảnh xấu rất khó gột rửa và sửa chữa. Nó định vị giá trị văn hoá vô cùng yếu kém của người Việt, và ảnh hưởng cực lớn đến hai từ bản sắc.
Nếu như trung tâm của văn hoá là con người, thì cốt lõi văn hoá làm người chính là cách sống và ứng xử giữa con người với nhau và với thiên nhiên. Thế nhưng chúng ta hãy nhìn lại những điều ấy, và tự định vị về bản sắc Việt Nam.
Đành rằng văn hoá Việt Nam bị đứt gãy bởi nhiều nguyên nhân, nhưng tại sao kinh tế có thể phục hồi, khoa học dần phát triển mà văn hoá cứ mãi ì ạch và xuống cấp về đạo đức, lối sống?.
Đặt câu hỏi không phải để truy vấn đổ lỗi, nhưng một phần lỗi rất lớn chính từ các bậc cha mẹ. Với quan niệm “trăng đến rằm trăng tròn”, có mấy ai nói với con về văn hoá, về bản sắc? Để rồi khi nhận ra thiếu sót, thì con cái như cái cây đã già không uốn nổi.
Trong suốt 35 năm qua từ khi đổi mới, nhà nước rất chú trọng văn hoá, không ngừng quan tâm gìn giữ bản sắc văn hoá truyền thống. Thế nhưng, xét kỹ chúng ta chỉ thành công ở việc bảo tồn các giá trị về di sản: Di tích, lễ hội, diễn xướng…
Về mặt con người, chúng ta còn quá nhiều hạn chế và rất hiếm để thấy được “thẻ căn cước” văn hoá.