Các lĩnh vực văn hóa được phát triển chưa đồng bộ, còn phiến diện, nặng về hình thức; thiếu những tác phẩm văn học, nghệ thuật tầm cỡ, phản ánh được tầm vóc của sự nghiệp Đổi mới. Môi trường văn hóa vẫn bị ô nhiễm bởi các tệ nạn xã hội, tham nhũng, tiêu cực.
Sự chênh lệch về hưởng thụ văn hóa giữa các vùng, các miền còn lớn. Đời sống văn hóa ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới và hải đảo còn khó khăn. Nhiều di sản văn hóa quý báu của dân tộc có nguy cơ bị xuống cấp, mai một, thậm chí bị tiêu vong.
Công tác lãnh đạo, quản lý văn hóa còn lúng túng, chậm trễ. Đầu tư cho văn hóa chưa đúng mức, còn dàn trải, hiệu quả chưa cao. Chất lượng và số lượng đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác văn hóa chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển văn hóa trong thời kỳ mới.
Về công tác quảng bá và tiếp thu văn hóa, Tổng bí thư nhận định việc quảng bá văn hóa Việt Nam ra nước ngoài chưa mạnh; tiếp nhận tinh hoa văn hóa nhân loại còn hạn chế; chưa có biện pháp tích cực để giữ gìn, bảo vệ và phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp, đặc sắc của dân tộc.
"Nhiều khi bắt chước nước ngoài một cách nhố nhăng, phản cảm, không có chọn lọc, nói nặng ra là vô văn hóa, phản văn hóa", Tổng bí thư nhấn mạnh.
Theo Tổng bí thư, những yếu kém, bất cập nêu trên chậm được giải quyết mặc dù đã được nhắc đi, nhắc lại trong nhiều văn kiện, nghị quyết của Đảng. Sự yếu kém, khuyết điểm này tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội, đến xây dựng con người và môi trường văn hóa.
Để dẫn đến tình trạng trên, Tổng bí thư khẳng định nguyên nhân chủ quan vẫn là chính.
Cụ thể, phương thức lãnh đạo và quản lý văn hoá chậm được đổi mới, chưa thích ứng kịp thời với sự vận động và phát triển văn hoá trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Công tác tổ chức và công tác cán bộ trên lĩnh vực văn hóa còn nhiều bất cập. Trách nhiệm của các cấp uỷ đảng, các tổ chức trong hệ thống chính trị, của đội ngũ cán bộ, đảng viên đối với việc lãnh đạo, chỉ đạo phát triển văn hóa chưa cao.
"Chúng ta cần phân tích sâu sắc các nguyên nhân này để tìm cách khắc phục, nhằm đẩy mạnh hơn nữa việc chấn hưng và phát triển nền văn hóa Việt Nam trong thời gian tới", người đứng đầu Đảng yêu cầu.
Đứng trước những thời cơ và thách thức mới, Tổng bí thư nhấn mạnh yêu cầu khách quan của sự nghiệp cách mạng nước ta là phải tiếp tục xây dựng, giữ gìn và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thực sự là "nền tảng tinh thần", "động lực phát triển", và "soi đường cho quốc dân đi".
"Phát huy giá trị văn hóa và sức mạnh con người Việt Nam, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, thịnh vượng, tạo ra sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc để tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức. Thực hiện thành công mục tiêu đưa nước ta trở thành quốc gia phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa vào giữa thế kỷ XXI", người đứng đầu Đảng nêu quyết tâm.