Khi phóng viên của hãng Reuters đến tận dự án này, khoảng 60 người mua nhà đã tụ tập, giơ hợp đồng nhà ở lên và hét: “Chúng tôi muốn được ở nhà của mình!”.
Chính quyền thành phố Tongchuan và Bộ Nhà ở Trung Quốc vẫn chưa phản hồi yêu cầu bình luận của Reuters.
Nhiều hàng xóm của anh Shi Tieniu là những người đã về hưu mua căn hộ cho con trai chưa kết hôn hoặc những người lao động không đủ khả năng thuê nhà ở nơi khác.
Để vào khu phức hợp, cư dân phải đi qua một cánh đồng cỏ mọc um tùm, vượt qua những cỗ máy thi công nằm im lìm rỉ sét để và chui vào một lỗ hổng trên tường.
Bên trong, những chiếc đèn chạy bằng năng lượng mặt trời chiếu sáng những bức tường và sàn bê tông trần phủ đầy bụi và sỏi. Cư dân nấu ăn trong bếp chung ở tầng một với một bếp gas duy nhất và nhà vệ sinh chung nằm trong một kho kim loại tạm bợ.
Những người mua chung cư tụ tập ăn uống cùng nhau tại tầng 1 dưới ánh sáng của đèn pin. Ảnh: Reuters
Tại khu sinh hoạt chung, những dòng chữ “đoàn kết là sức mạnh” và “sắp được về nhà mới” được viết nguệch ngoạc trên cửa sổ.
"Tiền tiết kiệm cả đời của tôi đã tiêu hết ở đây. Con trai tôi vẫn chưa lập gia đình. Tôi đã 60 tuổi rồi, vài năm nữa tôi sẽ không thể leo nhiều cầu thang như vậy", một người dân họ Gao cho biết. Ông đã bỏ ra 240.000 nhân dân tệ để mua một căn hộ vào năm 2018.
Kể từ khi cuộc khủng hoảng nợ bất động sản nổ ra vào năm 2021, hàng nghìn chủ nhà ở khắp Trung Quốc đã phải đối mặt với tình huống “tiến thoái lưỡng nan” này. Các nhà phát triển nhỏ lẻ gặp khó về vấn đề thanh khoản còn những gã khổng lồ trong ngành như Country Garden cũng suýt vỡ nợ.
Bà Qi Xiaoxia, 65 tuổi, bức xúc: “Không thể trông mong gì vào những ngôi nhà này. Hãy nhìn xem chúng đã xuống cấp ra sao và đã phá hủy gia đình tôi như thế nào”.
Bà Qi cho biết con trai của bà năm nay 36 tuổi nhưng vẫn chưa kết hôn. Mấy năm trước, bà vay mượn tiền của họ hàng và bạn bè để mua nhà cho con trai lấy vợ. Suốt thời gian qua, bà phải thắt lưng buộc bụng để trả nợ, song cho đến nay vẫn chưa có nhà để ở và con trai vẫn chưa thể kết hôn.