Nhà nước cần quan tâm, đầu tư hơn nữa cho giáo dục, để “hậu” nông thôn mới, giáo dục ở vùng khó ngày càng khởi sắc và “đơm hoa, kết trái”...

Hụt hẫng, lo lắng bởi khó khăn chồng chất là trải lòng của nhiều giáo viên sau khi không còn được thụ hưởng các chế độ, chính sách ưu đãi vùng đặc biệt khó khăn do nơi công tác trở thành vùng thuận lợi hoặc đạt nông thôn mới.

Đáng nói, nhiều địa phương đạt nông thôn mới có 100% học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số. Đời sống người dân còn thiếu thốn, nhiều gia đình vẫn thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo. Bởi vậy, nỗi lo cơm áo, gạo tiền của giáo viên nơi đây trở thành “bài ca đi cùng năm tháng”. Còn phụ huynh lại canh cánh trong lòng chuyện làm gì để có đủ điều kiện cho con em tiếp tục đến trường học tập.

Dù cơ sở vật chất trường học được đầu tư nhiều hơn khi địa phương đạt nông thôn mới, song hiện vẫn còn một số đơn vị chưa được kiên cố hóa, đặc biệt là các trường mầm non. Trong khi đó, khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc, việc xã hội hóa giáo dục chẳng dễ chút nào.

Vẫn là câu chuyện “biết rồi khổ lắm nói mãi” nhưng rõ ràng, cắt giảm các chế độ, chính sách của giáo viên, học sinh trong khi thu nhập của giáo viên, người dân còn thấp, chưa đảm bảo trang trải được cuộc sống gia đình càng khiến khó chồng khó.

Thực tế trên khiến nhiều người quan ngại, tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng, giáo viên phải “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để vận động học sinh đến trường có thể sẽ lặp lại như những năm trước. Đáng suy nghĩ hơn là chất lượng nguồn nhân lực khu vực đồng bào dân tộc thiểu số có thể bị giảm sút, nguy cơ tái nghèo gia tăng.

Vẫn biết, chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới là chủ trương đúng đắn, nhân văn của Đảng, Nhà nước và việc các địa phương thoát khỏi danh sách vùng đặc biệt khó khăn là điều đáng mừng. Với sự khởi sắc này, về mặt logic thì đời sống của giáo viên, học sinh sẽ nâng lên. Thế nhưng, việc bị cắt, giảm các chế độ chính sách khiến nhiều giáo viên trăn trở và không khỏi hụt hẫng, tâm tư.

Để phụ huynh, học sinh dần thích ứng, thiết nghĩ nên tiếp tục kéo dài các chính sách hỗ trợ giáo viên, học sinh ở những địa phương thuộc diện nêu trên. Hoặc thay vì cắt ngay, có thể duy trì thêm một thời gian nhất định.

Thực tế chứng minh, giải quyết tốt các chế độ, chính sách cho giáo viên, học sinh sẽ góp phần nâng cao chất lượng giáo dục vùng núi, đồng bào dân tộc thiểu số. Xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu cũng cần quan tâm đầu tư cho sự nghiệp giáo dục và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.

Năm học 2023 - 2024 đang đến gần, việc triển khai thực hiện Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới diễn ra theo lộ trình. Vì thế, trước mắt các địa phương cần tăng cường đầu tư cho giáo dục, nhất là trang thiết bị dạy - học, cơ sở vật chất, phòng thực hành; Đồng thời, có quyết sách, quan tâm đến sự nghiệp giáo dục và đào tạo; trong đó có chế độ đối với giáo viên, học sinh.

Tất nhiên, để giải quyết bài toán này cần những giải pháp đồng bộ. Nhà nước cần quan tâm, đầu tư hơn nữa cho giáo dục, để “hậu” nông thôn mới, giáo dục ở những vùng khó ngày càng khởi sắc và “đơm hoa, kết trái”.

Theo giaoducthoidai.vn
Copy Link
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nỗi lo… mới