Nói lời 'cảm ơn' và 'xin lỗi' có khó không?

25/10/2023, 09:45
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Những năm gần đây, lời “cảm ơn” và “xin lỗi” có chiều hướng giảm trong giao tiếp xã hội.

Có người cho rằng, đó là hệ quả của lối sống thực dụng; ý kiến khác thì bảo, nguyên nhân là do sự lỏng lẻo của chuẩn mực ứng xử. Lại có quan điểm: Lối sống công nghiệp làm con người thay đổi, hay do bản tính cố hữu của một người cụ thể nào đó vốn không quen với hai từ này.

Khi chúng ta làm phiền ai điều gì, có lỗi thì phải biết xin lỗi, khi được người khác giúp đỡ ta nói lời cảm ơn. Đây chính là nét đẹp nhân văn trong văn hóa ứng xử của người Việt từ xưa đến nay. Theo Từ điển Tiếng Việt (Viện Ngôn ngữ học Việt Nam): “Xin lỗi là xin được tha thứ vì đã biết lỗi. Công thức xã giao dùng để mở đầu lời nói khi có việc hỏi người lạ, làm phiền người khác”. Cảm ơn hay xin lỗi là một trong các biểu hiện của ứng xử có văn hóa, là hành vi văn minh, lịch sự trong quan hệ xã hội.

Thế nhưng, nhiều bạn trẻ vẫn rất tiết kiệm ngôn từ này hoặc vì lòng tự trọng nào đó. Thực tế cho thấy, vào quán ăn, ăn uống xong, và được nhân viên phục vụ, khách hàng chỉ việc tính tiền (hoặc thêm tiền “boa”) nhưng ít ai nói lời cảm ơn. Chúng tôi cũng đã có trải nghiệm thú vị khi tham gia giao thông, đó là lưu tâm nhắc những người lái xe quên gạt chân chống, họ chỉ nhìn chúng tôi mà không một cái gật đầu, không một lời cảm ơn!?

Biết nói lời cảm ơn, xin lỗi là một tiêu chí đánh giá phẩm chất và vốn liếng văn hóa của mỗi cá nhân, từ đó góp phần xây dựng xã hội ngày càng văn minh, tốt đẹp hơn. Tuy nhiên, lời cảm ơn phải được phát ra tận đáy lòng, thể hiện sự thành khẩn, tha thiết, chứ không phải chỉ là lời nói suông ở “đầu môi chót lưỡi”. Xin lỗi để hàn gắn những chia rẽ và hận thù dân tộc do những lỗi lầm ấy gây nên.

Nguyên Thủ tướng Đức Willy Brandt, trong lần đến thăm Warszawa (thủ đô Ba Lan), đã quỳ gối trước đài tưởng niệm nạn nhân Do Thái trong Đại chiến Thế giới thứ Hai. Hành động đó thay cho triệu lời xin lỗi, và đáng giá gấp hàng nghìn lần số tiền bồi thường mà nước Đức bỏ ra, hàn gắn vết thương tưởng như không bao giờ lành với nước láng giềng, và hiện nay Ba Lan và Đức là hai đối tác thương mại lớn của nhau ở châu Âu.

Trong cuộc sống xô bồ của xã hội hiện đại, những mâu thuẫn, xích mích xảy ra là điều không thể tránh khỏi, thế nên, chỉ hai từ “cảm ơn” và “xin lỗi” thì những mâu thuẫn, xích mích phút chốc cũng sẽ được xóa tan, khiến mọi người trở nên gần gũi và thân thiết hơn. Bản thân người xin lỗi, cảm ơn sẽ thấy lòng mình trở nên thanh thản, nhẹ nhõm. Đã là con người, không ai là không phạm phải những sai lầm, khuyết điểm, có khi là những sai lầm khủng khiếp, một khi chúng ta biết lỗi, thành khẩn sửa lỗi và nói lời xin lỗi thì cuộc sống sẽ thăng hoa, thêm phần ý vị.

Ảnh minh họa ITN. ảnh 1
Ảnh minh họa ITN.

Cổ nhân đã dạy: “Thánh nhân nào cũng có một quá khứ. Tội nhân nào cũng có một tương lai”. Thử nghĩ, tại sao cái thùng đựng rác - vật vô tri vô giác vẫn có dòng chữ: “Cảm ơn bạn đã bỏ rác vào tôi”. Đến bệnh viện, bệnh nhân cảm thấy nhẹ nhõm, vơi bớt nỗi đau thể xác nếu được các y, bác sĩ tiếp đón nồng hậu, nở nụ cười trên môi: “Bệnh nhân đến tiếp đón niềm nở/ Bệnh nhân ở chăm sóc tận tình/ Bệnh nhân về dặn dò chu đáo”. Đi cửa hàng, siêu thị mua sắm dù giá cả cao hơn một chút nhưng được các nhân viên bán hàng ân cần chào đón vui vẻ, mở cửa tiễn khách ra về và nói lời cảm ơn, ta cảm thấy phấn chấn trong lòng và tự nhủ: “Hẹn gặp lại nhé!”.

Suy cho cùng, do cái tôi của con người quá lớn, cái bản ngã quá nặng nên họ không muốn xin lỗi. Người ta thường nói: “Không biết lỗi, không nhận lỗi thì sẽ không bao giờ biết hối lỗi”. Có nghĩa là họ vẫn sẵn sàng tái phạm. Nói cách khác là không biết phục thiện, không thể tiến bộ. Và điều đó hẳn là nằm trong gốc rễ của giáo dục. Đơn giản, họ cho rằng, ừ thì tôi mắc lỗi, ừ mọi người đều thấy lỗi của tôi. Nhưng xin lỗi ư… đừng mơ. Tại sao tôi phải xin lỗi? Ai làm gì được tôi? Họ để cho dư luận lắng xuống và thời gian cũng chẳng còn ai nhớ tới cái lỗi của họ nữa. Thế là xong. Cần gì bày đặt xin lỗi cho phiền phức.

Có người cho rằng, xin lỗi sẽ làm hạ uy tín cá nhân. Xin lỗi thiên hạ sẽ cho mình yếu đuối dễ bắt nạt... Một số người còn cho rằng, nói ra những từ đó là một sự khách khí và đôi khi giả tạo, dối lòng và họ cảm thấy “ngài ngại”. Thiết nghĩ, đó là việc làm văn minh, lịch thiệp trong giao tiếp hàng ngày, không việc gì chúng ta phải “ngại”.

Hiện nay, không ít cơ quan, đơn vị, trường học, cơ sở giáo dục đang phát động phong trào “Tứ xin”, đó là: Xin lỗi, xin chào, xin cảm ơn và xin phép. Đường đi đâu phải do tạo hóa sắp đặt, đi rồi sẽ thành đường, thói quen rồi sẽ dần định hình trong nếp nghĩ, sẽ có ngày, từ cảm ơn, xin lỗi nó nở rộ tự nhiên và rực rỡ như hoa cỏ mùa Xuân.

Sự lịch thiệp, khiêm tốn, biết ơn, biết lỗi phải là một phần quan trọng, tất yếu trong cuộc sống thường nhật của chúng ta. Xin lỗi không đơn giản là biết lỗi và nhận lỗi, mà còn thể hiện trách nhiệm của người đó với cuộc sống. Có lỗi và xin lỗi là một ứng xử văn minh trong xã hội, không ngoại trừ bất cứ ai. Lỗi dù lớn, nhưng có sự hối lỗi chân thành sẽ khiến người ta có thiện cảm, dễ tha thứ hơn.

Đã bao giờ bạn tự hỏi mình thật sự nói những câu đó bao nhiêu lần trong một ngày, và nếu có nói, thì đã bao giờ chúng ta nói những điều đó một cách thực lòng? Và những ngôn từ hoa mỹ, lịch thiệp cần có; rộng hơn, là những hành động thiết thực để tỏ bày lời xin lỗi và cảm ơn trong đời sống thường nhật và trong môi trường văn hóa học đường, góp phần dựng xây, kiến tạo cuộc sống thêm giàu tình thương, chan hòa, hào hiệp, nhân ái, nghĩa tình.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nói lời 'cảm ơn' và 'xin lỗi' có khó không?