Nới lỏng để trẻ em trải nghiệm cuộc sống

Hà Minh | 25/11/2023, 06:05
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

(GDTĐ) - Làm cha mẹ, nếu cấm con cái tự tay làm việc, tự chăm sóc bản thân hoặc dứt khoát làm thay con thì đó là sự sai lầm trong giáo dục.

hoat-dong-trai-nghiemk.jpeg
Cha mẹ nên nới lỏng để trẻ em có cơ hội trải nghiệm cuộc sống.

Trải nghiệm là một phần của cuộc sống

Nam, 7 tuổi, không tự mặc quần áo trước khi ra khỏi nhà. Ăn xong, cậu bé cũng không tự lau miệng. Việc của cậu là chờ mẹ làm cho tất cả mọi việc của bản thân.

Người khác thấy cảnh cứ làm hết mọi việc cho Nam thì góp ý với mẹ Nam không nên như vậy. Nhưng mẹ Nam lại nghĩ vì thương con mà cô ấy có thể làm hết tất cả mọi việc cho con.

Hơn nữa, cô cho rằng, một đứa trẻ 7 tuổi chưa thể làm được việc gì, ngay cả việc tự mặc quần áo cho bản thân trước khi ra khỏi nhà. Khi nào đủ lớn, con sẽ làm hết được mọi việc mà không cần mẹ nữa.

Tất nhiên, khi lớn lên, có nhiều việc trẻ sẽ phải tự làm, tự lo cho bản thân. Nhưng ngay khi còn bé, trẻ cũng phải được tạo điều kiện để trải nghiệm cuộc sống của chính mình.

Trải nghiệm cuộc sống chính là tích lũy kinh nghiệm thông qua việc tham gia hoặc tiếp xúc trực tiếp với sự vật, sự việc từ hoạt động thực tiễn.

Thực tế cho thấy, khi tham gia trải nghiệm cuộc sống, trẻ có thể tự khám phá, tìm hiểu, tích lũy kinh nghiệm, rèn luyện các kỹ năng cần thiết, từ đó bồi dưỡng bản lĩnh, sự tự tin và hoàn thiện bản thân.

Thế nhưng, cuộc sống càng hiện đại, đời sống của trẻ ngày càng xa rời với những hoạt động thực tế. Xuất phát từ tâm lý thương con, chăm con quá mức của không ít phụ huynh làm trẻ ngày càng trở nên thụ động, thiếu kỹ năng cơ bản và xa rời đời sống hàng ngày.

Làm hết mọi việc cho con, cha mẹ nghĩ rằng đó là dành cho con cuộc sống hoàn hảo. Nhưng đây lại chính là cách thương con sai lầm của cha mẹ.

hoat-dong-trai-nghiem.jpeg
Hãy để con mình tự quyết định sự lựa chọn.

Cha mẹ đừng quyết định thay con

Cha mẹ cần hiểu rằng, khả năng độc lập là vấn đề cơ bản trong sự phát triển của con. Khả năng này không phải sinh ra đã có ngay mà cần phải được bồi dưỡng. Trước hết, phải bồi dưỡng cho trẻ hình thành thói quen tự chăm sóc bản thân mỗi ngày.

Không đứa trẻ nào muốn tự mình làm việc nhưng làm việc chính là cơ hội để rèn luyện. Trẻ 2 tuổi đã biết cầm đồ giúp người lớn. Lên 3 tuổi muốn việc gì cũng muốn làm, hiếu động...

Khi còn nhỏ, khả năng làm việc độc lập của trẻ còn yếu, thường sẽ bị hỏng việc. Lúc này, cha mẹ nên khích lệ bé chú tâm làm những việc đơn giản như tự lấy nước uống, tự đánh răng, tự rửa mặt…

Nếu chẳng may trẻ làm tràn nước ra nhà, ra ghế thì không nên trách mắng trẻ bởi bảo vệ sự tự tin của trẻ còn quan trọng hơn việc bảo vệ ghế sô pha của nhà bạn. Từ từ, khi trẻ thành thạo kỹ năng rồi, chúng sẽ không mắc lại những lỗi nhỏ này nữa.

Nếu cha mẹ luôn có suy nghĩ giúp con mà không để con tự làm vì sợ con làm hỏng, không làm được hoặc làm không đúng… thì cha mẹ chính là đang tạo ra thói quen ỷ lại cho con.

Thay vào đó, hãy dạy và khích lệ con tự làm, để con tự luyện tập. Có thể dạy con từ những việc nhỏ như sắp xếp giá sách, bàn học, tự bố trí căn phòng của mình...

Đến độ tuổi nhất định, nếu có thể hãy cho trẻ ngủ riêng, dậy cách chi tiêu, tiết kiệm tiền, đi chợ…

Những việc con có thể làm được thì cha mẹ hãy để con tự thử sức, tự đương đầu, tự tìm giải pháp để có kết quả. Con trẻ sẽ học được nhiều kỹ năng, có khả năng tự lo liệu cho bản thân. Nhờ đó mà chúng sẽ từng bước lớn khôn, tự chủ hơn, thoát khỏi sự quản lý bao bọc của người lớn.

Làm thay và quyết định thay con sẽ hạn chế khả năng tự lập, trẻ dễ trở thành người thụ động, lười biếng và thành công sẽ khó đến với trẻ sau này.

Bài liên quan
Bộ GDĐT hướng dẫn tổ chức dạy học môn tích hợp và hoạt động trải nghiệm
Bộ GD&ĐT vừa có văn bản lưu ý về xây dựng kế hoạch dạy học các môn Khoa học tự nhiên; Lịch sử và Địa lí; hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nới lỏng để trẻ em trải nghiệm cuộc sống