Tại các trường học, vườn thuốc nam được đặt ở nơi thuận tiện để khai thác, chăm bón và đặc biệt giúp cho việc giảng dạy của giáo viên có nhu cầu tích hợp nội dung dạy học trong các môn Tự nhiên và Xã hội… Nhiều trường xem việc xây dựng vườn cây thuốc nam như một trong những tiêu chí của hoạt động Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh.
“Vườn thuốc nam trường em” là công trình măng non được các trường đăng ký tham gia. Tại Trường THCS Phường 1 (thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang), vườn thuốc nam là mô hình “Sống xanh vì một thành phố Gò Công tương lai”. Công trình măng non này không chỉ phát huy hiệu quả cây thuốc nam trong việc chữa bệnh, mà còn góp phần tạo cảnh quan, tăng khoảng không gian xanh, trong lành cho trường học.
Qua đó, học sinh được học tập, lao động và làm quen với cây thuốc, góp phần giáo dục kỹ năng sống, biết yêu lao động và công dụng các loại cây thuốc nam trong cuộc sống. Đây không chỉ là vườn thuốc nam đơn thuần, mà còn là hoạt động giúp giáo viên, học sinh dạy và học theo hình thức mở, dạy học gắn với thực tiễn cuộc sống.
Tại Trường THCS Lê Ngọc Hân (TP Mỹ Tho), học sinh có thể đến “Khu thuốc nam” trong vườn sinh vật để nhận diện chủng loại cây đã học ở môn Sinh học, hoặc nhìn vẽ hoa, lá… ở môn Mỹ thuật. Các em được thầy cô hướng dẫn tìm hiểu về giới thực vật gồm nhóm Rêu - Thực vật không có mạch; Dương xỉ - Thực vật không có mạch, hạt; Hạt trần - Thực vật có mạch, hạt và Hạt kín - Thực vật có mạch, hoa và hạt…
Theo cô Lâm Hải Yến - nhân viên y tế nhà trường, một số cây thuốc có tác dụng giảm đau bụng, hạ huyết áp, dễ ngủ, giảm mỡ xấu, giải độc gan… Một số loại như ngũ trảo, sả… cũng được cán bộ, giáo viên hái về sử dụng khi bị cảm thông thường.
Lương y Nguyễn Thị Huệ - Chủ tịch Hội Đông y TP Mỹ Tho (tỉnh Tiền Giang) cho biết: Trồng vườn thuốc nam trong trường học có nhiều lợi ích. Không chỉ học sinh, giáo viên mà người dân có thể sử dụng một số cây thuốc để chữa bệnh (ngoài da, viêm họng, tiêu chảy, mụn nhọt, đau xương khớp, cảm sốt...). Xây dựng vườn thuốc nam trong trường học mang ý nghĩa đối với việc phổ biến kiến thức Đông y và tác động tích cực đến ý thức giữ gìn, bảo vệ sức khỏe giáo viên và học sinh. Gìn giữ, phát huy vườn thuốc nam tại trường học là việc làm ý nghĩa, qua đó, bảo tồn, phát huy nền y học cổ truyền thời đại 4.0.