Và say nhất, tuyệt nhất là những câu văn Vũ Bằng tả về trăng tháng Giêng: “Cái trăng tháng Giêng, non như người con gái mơn mởn đào tơ, hình như cũng đẹp hơn các tháng khác trong năm thì phải: Sáng nhưng không đẹp lộng lẫy như trăng sáng mùa Thu, đẹp nhưng không đẹp một cách úa héo như trăng tháng Một.
Cái đẹp của trăng tháng Giêng là cái đẹp của nàng trinh nữ thẹn thùng, vén màn hoa ở lầu cao nhìn xuống để xem ai là tri kỷ, mặc dầu không có ai thấy để đoán biết tâm sự mình, nhưng cứ thẹn bâng khuâng, thẹn với chính mình”.
Tài quan sát, sự phát hiện tinh tế giúp nhà văn phát hiện cái nét riêng của trăng tháng Giêng, nét đẹp ấy không giống với trăng ở các tháng khác. Một nét đẹp thẹn thùng, mơn mởn sắc xuân, trăng ngỡ như người thiếu nữ đang độ xuân thì thẹn thùng, e ấp. Đằng sau bức tranh xuân là điệu hồn văn sĩ, người lữ khách tha hương gửi trọn tình yêu với mùa Xuân Bắc Việt.
Ảnh minh họa. |
“Làm thơ thì không thể không có cái tôi” (Viên Mai). Suy cho cùng, văn là người, điều còn lại ở mỗi nhà văn là giọng điệu riêng biệt của chính mình. Đọc “Thương nhớ mười hai”, đi sâu suy ngẫm về đoạn trích “Thương nhớ mùa Xuân”, người ta nhận thấy một cái tôi tha thiết một tình yêu và nỗi nhớ. Đó là tình yêu, nỗi nhớ Vũ Bằng dành cho mùa Xuân Bắc Việt, mùa Xuân Hà Nội.
Dõi theo đoạn trích, cái tôi ấy hiện lên ở nhiều dạng thức khác nhau: Lúc là tôi, khi là anh, lúc là khách. Song, về cơ bản là cái tôi trực tiếp bộc lộ cảm xúc, nỗi lòng của mình: “Ấy đấy, cái mùa Xuân thần thánh của tôi nó làm cho người ta muốn phát điên lên như thế đấy; nhưng tôi yêu mùa Xuân nhất là vào khoảng sau ngày rằm tháng Giêng; người khách xa nhà nằm ngửa mặt lên trần, mơ lại những ngày xuân đã mất và cảm như tất cả những cái vui đẹp, say sưa đó thuộc vào một tiền kiếp xa xôi...”.
Dường như, sau niềm thương nỗi nhớ là sầu đau nuối tiếc, với kẻ li hương, cảnh ấy, người ấy chỉ còn trong hoài niệm xa xôi. Vũ Bằng vốn là người con đất Bắc. Vì nhiệm vụ mà vào Nam ở, biền biệt cách xa, xa mãi không về. Bởi vậy, ông gửi lòng mình vào trang văn với da diết một trời thương nhớ. Đó là nỗi nhớ, tình yêu của người con chung tình với Bắc Việt mến thương.
“Một tác phẩm nghệ thuật là kết quả của tình yêu”. Suy ngẫm của đại văn hào Nga L. Tôn xtôi mấy trăm năm về trước vẫn vẹn nguyên giá trị. “Thương nhớ mùa Xuân”, đoạn trích tùy bút giàu chất trữ tình của Vũ Bằng được viết nên bởi tình yêu quê hương xứ sở và một ngòi bút rất mực tài hoa.
Ngôn ngữ của văn bản là ngôn ngữ hồi kí, câu văn mang giọng điệu thủ thỉ, tâm tình như tiếng gọi luyến thương: “Đẹp quá đi, mùa Xuân ơi - mùa Xuân của Hà Nội thân yêu, của Bắc Việt thương mến...”. Sự kết hợp của yếu tố tự sự - trữ tình, kể tả, biểu cảm tạo nên một giọng điệu riêng, cuốn hút người đọc với cảm xúc dồi dào. “Thương nhớ mùa Xuân” có lẽ là đoạn trích văn xuôi giàu chất thơ, chất thơ đó được tạo nên bởi những câu văn mang nhạc điệu du dương, luyến láy.
Nhạc điệu đó được tạo nên bởi các biện pháp tu từ như điệp ngữ, điệu cấu trúc câu: “Ai bảo... thương nước, thương hoa, thương gió; ai cấm trai thương gái, mẹ yêu con...”. Câu văn ngỡ như thơ, vọng vào lòng người bao cung bậc nhớ nhưng, khi cồn cào da diết, lúc sâu lắng rưng rưng.
Đặc biệt, những câu văn đẹp lạ của Vũ Bằng được tạo nên bởi những liên tưởng so sánh tinh tế, độc đáo, chẳng hạn: “nhựa sống ở trong người căng lên như máu cũng căng lên trong lộc của loài nai, như mầm non của cây cối, nằm im mãi không chịu được, phải trỗi ra thành những cái là nhỏ tí ti giơ tay vẫy những cặp uyên ương đứng cạnh; cái trăng tháng Giêng, non như người con gái mơn mởn đào tơ”. Những hình ảnh so sánh làm cho câu văn giàu sức gợi, cuốn hút, say mê, cứ thế nàng trăng đẹp mãi trong câu văn Vũ Bằng, để thương để nhớ nơi tâm hồn đọc giả.
Văn chương giá trị là lời trái tim vang vọng trái tim. “Thương nhớ mùa Xuân”, là áng văn dệt nên bởi tình yêu thương quê hương và gia đình. Bởi thế, đọc những trang văn Vũ Bằng bộc lộ nỗi lòng riêng của ông mấy mươi năm về trước, người ta tìm được sự đồng điệu, nhất là với những người con đất Bắc biền biện cách xa nơi trời Nam nhiều nắng gió mỗi độ xuân về.
Nhớ lắm cảnh sắc mùa Xuân quê mẹ! Yêu lắm xuân về nơi đất tổ quê cha! Tôi tin, những trang văn khơi nguồn từ tình yêu của Vũ Bằng nhất định sẽ lan tỏa tình yêu đến muôn triệu trái tim, giục giã bước chân người con xa tìm về xum họp đoàn viên cho thỏa niềm mong nhớ mỗi lần Tết đến Xuân sang.