Năm 2015, khi bắt đầu nhận công tác tại Trường THCS Hoàng Diệu (huyện EaKar, Đắk Lắk) đến nay, hè nào thầy Vũ Huy Phương cũng dạy bổ trợ kiến thức cho học sinh.

Ảnh minh họa/INTẢnh minh họa/INT

Công việc này thường bắt đầu vào tháng 8, vì thuận lợi hơn cho việc huy động học sinh đến trường. “Phụ huynh không đồng ý cho con đến trường trong hè vì các em phải phụ giúp gia đình hoặc trông em… Ngay cả đến tháng 8, không phải học sinh nào cũng chịu đến trường, dù việc học hoàn toàn miễn phí”.

Đây cũng là trăn trở của thầy giáo trẻ, bởi học sinh phải bổ trợ kiến thức có sức học yếu, nếu không sẽ rất khó khăn trong tiếp thu ở lớp học cao hơn. Nhà cách trường 16 cây số, mùa mưa đi lại rất khó khăn, nhưng khi chia sẻ mong muốn, thầy Phương không một lời than mà chỉ mong gia đình phối hợp, chính quyền địa phương giúp sức để học sinh đến trường đầy đủ.

Trong dịp hè, nhiều thầy cô vẫn miệt mài với việc dạy phụ đạo, tăng cường kiến thức cho học sinh chưa hoàn thành chương trình năm học, từ đó giúp các em kiểm tra lại đạt kết quả tốt. Hè năm nay, công việc của thầy cô sẽ bận rộn hơn bởi số lượng học sinh cần phụ đạo tăng do cả năm học chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19. Thực tế thấy rõ, dạy học trực tuyến là giải pháp để hoạt động dạy học không bị gián đoạn, học sinh vẫn được học tập dù không đến trường; tuy nhiên chất lượng không thể so với dạy học trực tiếp.

Có hiệu trưởng thậm chí xác định tinh thần “không có hè” để hỗ trợ học sinh nhiều nhất có thể. Kế hoạch dạy học phụ đạo cũng được lên từ sớm, được thực hiện linh hoạt, đa dạng để phù hợp với từng đối tượng. Số lượng học sinh ít là thuận lợi, nhưng vì đa số đều hổng kiến thức, hoặc ý thức học không tốt nên giáo viên vô cùng vất vả.

Cũng cần hiểu rằng đây không phải là hoạt động chỉ tổ chức trong hè. Phụ đạo là công việc thường được thầy cô tiến hành ngay trong quá trình dạy học, tùy theo điều kiện thực tế. Ví dụ, nhiều giáo viên tranh thủ giúp học sinh chưa nắm tốt bài ngay sau giờ học, hoặc tận dụng các tiết trống, thời gian thích hợp ngày cuối tuần… để hỗ trợ học trò; theo dõi sự tiến bộ của học sinh để có biện pháp phụ đạo hợp lý, kịp thời trong từng tuần, từng tháng...

Nguyên nhân khiến học sinh yếu kém (do hoàn cảnh gia đình, mất căn bản, kém chuyên cần, mắc bệnh…) được thầy cô tìm hiểu cụ thể để có giải pháp phù hợp. Thành lập các nhóm học tập, đôi bạn cùng tiến… cũng là cách hiệu quả được áp dụng để trò giúp trò. Các nhà trường thường có kế hoạch cụ thể và việc thực hiện luôn có sự phối hợp chặt chẽ giữa giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn và các lực lượng khác trong nhà trường.

Nhưng thực tế cho thấy, hoạt động phụ đạo khó có thể hiệu quả nếu không có sự đồng thuận, phối hợp của gia đình, cha mẹ học sinh. Không chỉ thầy Vũ Huy Phương, nhiều giáo viên, đặc biệt thầy cô vùng khó đều cho biết vất vả nhất là làm sao huy động được học sinh đến trường, bởi nhiều phụ huynh không hợp tác. Trong trường hợp này, giáo viên đành phải tìm cách gửi tài liệu, bài tập để học sinh tự ôn tập tại nhà, nhưng khó hiệu quả.

Mong mỏi của thầy cô, bởi vậy không phải là được hưởng thêm chế độ khi dạy trong hè, mà là ý thức tự giác học tập của học sinh; sự sát sao, động viên, phối hợp cùng kèm cặp con của cha mẹ học sinh trong dịp hè.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nỗi lòng nhà giáo