Chia sẻ về các trường hợp mắc Covid-19 nói chung, sinh viên mắc Covid-19 nói riêng, chuyên gia Trần Thị Loan - giảng viên chính bộ môn Tâm lý giáo dục, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2, cho biết: Không ai mong muốn mình bị mắc Covid-19; cũng chẳng ai mong muốn mình vừa bị mắc bệnh, vừa bị người khác kì thị.
Nhưng trên thực tế, có những trường hợp sinh viên khi mắc bệnh đã bị chủ nhà không cho tiếp tục ở trọ, hoặc bạn cùng phòng không muốn tiếp tục ở cùng… Điều này, theo chuyên gia Trần Thị Loan, là biểu hiện của sự kì thị đối với bệnh nhân Covid-19; dẫn đến những khó khăn về tâm lí với người bị bệnh như: lo lắng, sợ hãi, sang chấn tâm lí, strees kéo dài gây rối loạn về tâm thần - những nỗi đau vô hình khó có thể đong đếm được.
Khi rơi vào hoàn cảnh trên, sinh viên cùng lúc phải chống chọi với nhiều tình huống căng thẳng: Nỗi lo về kinh tế, không có chỗ ở, mọi người xa lánh khiến cá nhân gặp sự quá tải về cảm xúc và thể chất, tinh thần. Từ đó sẽ đến bệnh ngày càng trở nên trầm trọng hơn bởi một trong nhưng lí do khiến chúng ta khỏi bệnh là trạng thái tinh thần phải thoái mái.
Việc kì thị này còn làm cho tình hình dịch bệnh lây lan nhanh hơn vì những người mắc bệnh không giám khai báo
Nhấn mạnh cần giúp đỡ những sinh viên nhiễm Covid-19 bằng những hành động cụ thể, chuyên gia Trần Thị Loan cho rằng, mọi người cần hiểu đúng về Covid-19 là bệnh chỉ lây khi tiếp xúc. Do đó, cần tạo điều kiện để người mắc Covid-19 có một khu riêng để ở và sinh hoạt.
Bên cạnh sự hỗ trợ, giúp đỡ cần thiết như: giúp mua đồ ăn, thuốc, vật tư y tế…, việc động viên tinh thần, hỏi han, quan tâm với các sinh viên không may mắc bệnh cũng vô cùng cần thiết, giúp người bệnh nhanh chóng vượt qua giai đoạn khó khăn.
“Các thầy cô giáo cũng cần tạo điều kiện về việc chuyên cần lên lớp cho sinh viên mắc Covid-19; gửi tài liệu để các em có thể tự học, tự nghiên cứu” - chuyên gia Trần Thị Loan cho hay.