Theo đó, việc thăng hạng chức danh nghề nghiệp từ hạng thấp lên hạng cao hơn liền kề trong cùng lĩnh vực nghề nghiệp được thực hiện thông qua hình thức thi và xét (khoản 2 Điều 31 Luật Viên chức 2010 và khoản 2 Điều 29 Nghị định số 115/2020/NĐ-CP).
Việc tổ chức thăng hạng chức danh nghề nghiệp bằng hình thức thi hay xét tại địa phương là theo lựa chọn của cơ quan, đơn vị có thẩm quyền tổ chức thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp theo quy định của pháp luật.
Bộ GD&ĐT không có thẩm quyền bỏ quy định thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên và cũng không có thẩm quyền đề nghị địa phương thực hiện thống nhất theo một hình thức là xét thăng hạng.
Tuy nhiên, đề xuất của giáo viên về việc bỏ hình thức thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp là có căn cứ. Bộ GD&ĐT nhận được văn bản gửi xin ý kiến từ Bộ Nội vụ về việc bỏ hình thức thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp trong dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 115/2020/NĐ-CP, Bộ GD&ĐT đã có văn bản trả lời nhất trí với nội dung này. Hiện Bộ Nội vụ đang tham mưu Chính phủ bỏ hình thức thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp.
Bộ GD&ĐT đề nghị địa phương căn cứ tình hình thực tiễn cân nhắc, lựa chọn hình thức phù hợp để tổ chức thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho đội ngũ và bảo đảm xác định được những giáo viên thực sự xứng đáng để thăng hạng chức danh nghề nghiệp trên cơ sở nguyên tắc bình đẳng, công khai, minh bạch, khách quan và đúng pháp luật.
Một lớp học của Trường tiểu học thị trấn Rạng Đông (Nghĩa Hưng, Nam Định). Ảnh: NTCC. |
Việc xác định tổng thời gian giữ hạng (đủ từ 9 năm) để làm căn cứ bổ nhiệm, chuyển xếp từ chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học, THCS hạng II cũ sang chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học, THCS hạng II mới còn chưa thực hiện thống nhất ở một số nơi. Một số địa phương yêu cầu 9 năm này phải là 9 năm giáo viên đã đạt trình độ đại học.
Liên quan đến nội dung này, Bộ GD&ĐT cho biết, theo quy định sửa đổi bổ sung tại Thông tư số 08/2023/TT-BGDĐT, điều kiện để giáo viên tiểu học, trung học cơ sở hạng II cũ được chuyển xếp sang chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học, trung học cơ sở hạng II mới là có tổng thời gian giữ hạng III cũ và hạng II cũ đủ từ 9 (chín) năm trở lên (không kể thời gian tập sự).
Trong đó, Bộ GDĐT không quy định điều kiện về trình độ đào tạo là đại học đối với tổng thời gian giữ hạng này. Do đó, việc một số địa phương yêu cầu 9 năm giữ hạng III cũ và hạng II cũ phải là 9 năm giáo viên đã đạt trình độ đại học là không đúng.
Một số ý kiến của bạn đọc:
Bộ GD&ĐT giải thích rõ vậy mà Hà Nội ra công văn 18/7/2023 yêu cầu giáo viên có bằng đại học 9 năm mới được nộp hồ sơ thăng hạng II. Rất mong Bộ GD&ĐT sớm có văn bản chỉ đạo các địa phương thực hiện đúng để những giáo viên 20 năm công tác như chúng tôi yên tâm công tác (bạn đọc thuynguyen***@gmail.com)
Bộ GD&ĐT đã giải thích rõ vậy mà nhiều địa phương lại hiểu chưa rõ. Chính vì điều này mà gây bức xúc cho nhiều giáo viên có tuổi đời lâu năm, có nhiều thành tích cống hiến, có bằng đại học mà chưa được chuyển hạng và thăng hạng (thuhien***@gmail.com).
Việc xét thăng hạng không chỉ là quyền lợi của giáo viên khi đã đủ điều kiện các giấy tờ, chứng chỉ, bằng cấp... mà còn là sự quan tâm của các cấp lãnh đạo đối với nhà giáo! Bởi một đất nước muốn phát triển thì việc đầu tư cho giáo dục là điều cần thiết! Chúng tôi mong các lãnh đạo nhanh chóng có quyết định để chúng tôi chuẩn bị dồn tâm, sức hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học mới! (Riori***@gmail.com).