Theo đó, sở thành lập hội đồng mua sắm, các phòng GD&ĐT thành lập Tổ giúp việc do lãnh đạo phòng, chuyên viên phụ trách các bộ môn làm thành viên. Các thành viên Tổ giúp việc của phòng GD&ĐT được hướng dẫn trình tự thủ tục tiếp nhận, quản lý thiết bị, đồ dùng dạy học. “Tuy nhiên, đó mới là giải quyết vấn đề của lớp 2 và lớp 6, chứ lớp 3 và lớp 7 năm học mới chưa thấy tỉnh triển khai”, bà Vân thông tin.
Cũng theo bà Vân, việc cấp thiết bị, đồ dùng dạy học để phục vụ Chương trình GDPT mới chỉ ở mức tối thiểu. “Một vài địa phương trong tỉnh có ngân sách hỗ trợ mua sắm thiết bị, đồ dùng dạy học. Còn ở thị xã Nghi Sơn, vẫn chưa có hỗ trợ gì để mua sắm thiết bị, đồ dùng dạy học. Vì vậy, Phòng GD&ĐT thị xã Nghi Sơn có chủ trương vận động xã hội hóa để hầu hết lớp 1, lớp 2 đều có 1 tivi màn hình rộng 55 inch trở lên.
Sau đó, giáo viên sẽ tự truy cập các nguồn học liệu số và sử dụng kết nối giữa máy tính với tivi. Nếu không xã hội hóa để mua tivi ở lớp đầu cấp, thì không đủ thiết bị, vì tỉnh có cấp về, mỗi trường chỉ được 1 chiếc tivi 32 inch để phục vụ ở phòng học chung mà thôi”, bà Vân chia sẻ.
Do tỉnh chậm cấp thiết bị, đồ dùng dạy học về cho các trường, nên Phòng GD&ĐT huyện Thọ Xuân phải tham mưu cho UBND huyện có phương án hỗ trợ các nhà trường.
“Chúng tôi tiến hành rà soát thực tế tại các nhà trường, rồi đề nghị UBND huyện trích ngân sách hỗ trợ. Ví dụ: Trường A có 3 lớp 2, mà tỉnh đã cấp 2 bộ, phòng sẽ tham mưu cho UBND huyện cấp thêm 1 bộ. Còn năm nay, đối với thiết bị, đồ dùng của lớp 3, lớp 7, chúng tôi chưa lên phương án, vì phải chờ đợi kế hoạch của tỉnh”, ông Lê Huy Nhị, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Thọ Xuân nói.
Cũng theo ông Nhị, để khắc phục tạm thời, Phòng GD&ĐT huyện động viên các trường cố gắng tận dụng thiết bị, đồ dùng cũ để dạy cho HS. Còn thiết bị như: Máy tính xách tay thì các thầy, cô giáo phải “linh động” tự dùng máy cá nhân của mình để dạy cho phù hợp và kịp thời với chương trình. Đối với khối lớp 6, giáo viên sử dụng bộ thiết bị dùng chung của nhà trường để dạy.
“Do không có đồ dùng, nên giáo viên phải áp dụng phương pháp dạy theo giáo án điện tử. Hình ảnh nào thiết thực, giáo viên lấy ở trên mạng Internet về chiếu cho HS xem. Nếu có đồ dùng dạy học, HS sẽ được học trực quan, sinh động”, ông Nhị cho biết thêm.
Trao đổi với Báo GD&TĐ, ông Tạ Hồng Lựu - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hóa - cho hay, hiện đã đấu thầu xong phần thiết bị, đồ dùng dạy học lớp 2 và sở đã họp để chuyển thiết bị. Còn đối với lớp 3, lớp 6, lớp 7 và lớp 10 thì chưa xong. Tuy nhiên, ông Lựu cũng cho rằng, cơ bản gói thầu đầu tiên (lớp 2) mà ổn, thì các gói còn lại cũng sẽ nhanh chóng được thực hiện trong thời gian ngắn nhất.
Cũng theo ông Hà, trước tình trạng thiếu thiết bị, đồ dùng dạy học và do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, học sinh phải học trực tuyến và dẫn đến “hổng” kiến thức, đặc biệt đối với học sinh đầu cấp. Do đó, Phòng GD&ĐT huyện Quan Sơn đang xây dựng kế hoạch để trình cấp trên cho phép học sinh lớp 1 và lớp 6 tựu trường sớm, để giáo viên giúp các em bổ sung kiến thức, làm quen với môi trường học tập trước ngày khai giảng.