Thời sự

Nông nghiệp đô thị vẫn còn rất mới ở nước ta

09/06/2024 08:55

Theo chuyên gia, phát triển nông nghiệp đô thị ở Việt Nam còn khá mới, hiện chỉ có TPHCM được phê duyệt nội dung này, còn Hà Nội mới dừng ở đề án.

Người dân được thụ hưởng thực phẩm tươi sạch

Theo thống kê, năm 2023, toàn quốc ghi nhận 125 vụ ngộ độc thực phẩm, làm hơn 2.100 người ngộ độc và 28 người chết. Trong khi đó, năm 2022 chỉ xảy ra 54 vụ ngộ độc thực phẩm, 1.359 người bị ngộ độc và 18 người tử vong.

Vì vậy, tại Hội thảo “Nông nghiệp đô thị - Lợi ích kép cho người dân đô thị”, tổ chức tại TPHCM ngày 6/6, GS.TS Nguyễn Văn Bộ cho biết, tuy nông nghiệp không đóng góp tỷ trọng lớn trong GDP của các đô thị (dưới 5% tại các đô thị lớn), song luôn giữ vai trò rất quan trọng.

Bởi, nông nghiệp đô thị không chỉ đáp ứng nhu cầu lương thực, thực phẩm tại chỗ, một lý do khác cho sự cần thiết phát triển nông nghiệp đô thị chính là vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm.

Nông nghiệp đô thị cũng tạo ra chuỗi cung ứng ngắn, nông sản được tiêu thụ trực tiếp nên giảm chi phí cho bảo quản, chế biến, giảm thất thoát và lãng phí nông sản.

“Người dân đô thị có quyền được thụ hưởng thực phẩm tươi, sạch và nông nghiệp đô thị đang hướng đến mục tiêu đó”, ông Bộ nói.

Đặc biệt, chuyên gia này cũng nhấn mạnh, nông nghiệp đô thị tạo thêm công ăn việc làm, tăng thu nhập, kể cả cho người lớn tuổi, trẻ em; tạo môi trường cảnh quan xanh, sạch; bảo tồn các nguồn tài nguyên di truyền bản địa, đặc hữu. Nông nghiệp đô thị có thể tạo tiền đề cho phát triển du lịch và gần gũi hơn là giúp giảm stress sau một ngày/tuần lao động mệt nhọc.

Dù tầm quan trọng của nông nghiệp đô thị là rất lớn, nhưng GS.TS Nguyễn Văn Bộ cũng cho rằng, tồn tại lớn nhất cho phát triển nông nghiệp đô thị ở Việt Nam chính là chất lượng đô thị hóa chưa cao, phát triển đô thị theo chiều rộng là chủ yếu, gây lãng phí về đất đai.

Chính nguyên nhân này đã làm cho nông nghiệp đô thị bị ảnh hưởng, thiếu quy hoạch và không ổn định. Chưa kể, do phát triển đô thị quá nóng, thiếu quy hoạch nên vấn đề môi trường luôn trong tình trạng quá tải.

TS Nguyễn Đăng Nghĩa, chuyên gia nông nghiệp cũng nhận định, trong xu thế phát triển nông nghiệp đô thị, các thành phố và đô thị lớn như TPHCM, Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ… đang manh mún hình thành các mô hình nông nghiệp đô thị, góp phần cung cấp thực phẩm sạch, tăng mảng xanh cho đô thị cũng như tạo môi trường giáo dục, giải trí lành mạnh cho cư dân thành phố.

“Nông nghiệp đô thị được xem là giải pháp khả thi để đáp ứng một phần về nhu cầu lương thực, rau quả cho người dân”, ông Nghĩa nói.

Dù vậy, chuyên gia này cũng thẳng thắn cho rằng, nông nghiệp đô thị chưa phát triển mạnh mà chỉ mới dừng lại ở mức độ tự phát, nhỏ lẻ ở các hộ gia đình. Họ tranh thủ thời gian rảnh canh tác quanh nhà. Vì vậy, ông Nghĩa cho rằng, hình thức sản xuất như trên không được xem là nông nghiệp đô thị.

Làm sao để phát triển nông nghiệp đô thị?

Có thể thấy, phát triển nông nghiệp đô thị được đánh giá là hướng đi đúng đắn để giải quyết các bất cập trong tiến trình đô thị hóa, hướng tới xây dựng đô thị sinh thái bền vững. Tuy nhiên, trong rất nhiều phương án, đâu mới là giải pháp phù hợp cho đô thị Việt Nam?

GS.TS Nguyễn Văn Bộ cho biết, đến nay chưa có một chủ trương, chính sách chính thức nào của Nhà nước liên quan đến phát triển nông nghiệp đô thị.

Theo ông Bộ, trong 2 thành phố lớn nhất của cả nước, chỉ TPHCM được phê duyệt Chương trình phát triển nông nghiệp đô thị vào ngày 29/12/2023 và cũng chưa thể đi vào cuộc sống. Trong khi đó, TP Hà Nội cũng mới chỉ phê duyệt Đề cương Đề án nông nghiệp đô thị mà chưa có đề án chính thức.

Nguyên Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam thông tin, Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/1/2022 của Bộ Chính trị về Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã chỉ rõ, công tác quy hoạch đô thị thiếu tầm nhìn, chất lượng thấp, nhiều nơi việc điều chỉnh quy hoạch còn tùy tiện, chính vì vậy, không gian cho phát triển nông nghiệp đô thị cũng bị ảnh hưởng.

Do vậy, quy hoạch đô thị cần lồng ghép với phát triển nông nghiệp đô thị, có tính đến đặc thù của vùng nội đô và ven đô, đến sản phẩm đặc sản, đặc hữu, bản địa và yêu cầu của thị trường.

“Với điều kiện quỹ đất hạn hẹp, để phát triển nông nghiệp đô thị bền vững, việc ứng dụng công nghệ cao, tuần hoàn, kinh tế số trong chuỗi sản xuất là yếu tố quyết định để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, giảm giá thành, tiết kiệm chi phí, đồng thời giảm chất thải, phát thải”, GS.TS Nguyễn Văn Bộ nói.

Về đầu tư, GS.TS Nguyễn Văn Bộ cũng đề xuất các địa phương tham khảo chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp đô thị của TPHCM để có chính sách phù hợp cho địa phương mình.

Hiện tại, TPHCM cho mỗi dự án vay tối đa 200 tỷ đồng, mức hỗ trợ lãi suất từ ngân sách có thể ở mức 60%, 80% và 100% với thời gian hỗ trợ không quá 5 năm là một giải pháp tốt cho các địa phương tham khảo.

Theo TS Vũ Thị Quyền, Trưởng ngành Công nghệ sinh học, Khoa Công nghệ ứng dụng (Trường Đại học Văn Lang), trong bối cảnh tình trạng quỹ đất mỗi ngày một thu hẹp, nếu phát triển nông nghiệp theo kiểu truyền thống sẽ gặp nhiều khó khăn, nên việc phát triển nông nghiệp đô thị, ứng dụng công nghệ vào sản xuất là xu thế tất yếu.

“Quá trình đô thị hóa đang tiếp tục diễn ra mạnh mẽ kể cả quy mô và tốc độ. Vì vậy, phát triển nông nghiệp đô thị không chỉ đáp ứng nhu cầu của người dân về lương thực, thực phẩm, mà còn góp phần tăng thêm không gian xanh cho người dân tại các thành phố”, bà Quyền nhận định.

“Đô thị hóa là xu thế tất yếu khách quan, là động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội. Do vậy, đầu tư cho phát triển nông nghiệp đô thị chính là đầu tư cho 4 mục tiêu tốt hơn là: Sản xuất tốt hơn, dinh dưỡng tốt hơn, môi trường tốt hơn và sức khỏe tốt hơn. Hay nói cách khác là nông nghiệp đô thị mang lại đa lợi ích cho quốc gia, cho mỗi đô thị và cho mỗi cư dân của các đô thị đó”. GS.TS Nguyễn Văn Bộ

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nông nghiệp đô thị vẫn còn rất mới ở nước ta