Tại hội thảo, nhiều ý kiến đánh giá cao hai dự thảo báo cáo của Bộ GD&ĐT; nhận định dự thảo được xây dựng nghiêm túc, công phu, trách nhiệm. Các ý kiến đồng thời góp ý cho cấu trúc, nội dung báo cáo, từ kết quả đạt được đến hạn chế, nguyên nhân hạn chế và giải pháp...
Đánh giá Nghị quyết 29 ban hành cách đây 10 năm là rất kịp thời, phù hợp từ quan điểm chỉ đạo đến mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, kết luận hội thảo, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh lại các kết quả, hạn chế, nguyên nhân của tồn tại, hạn chế và giải pháp, bài học kinh nghiệm được chia sẻ, trao đổi tại hội thảo.
Thứ trưởng khẳng định sẽ tiếp thu tối đa các ý kiến, đồng thời cho biết thời gian tới Bộ GD&ĐT tiếp tục tổ chức hội nghị toàn quốc để lấy ý kiến để hoàn thiện báo cáo tổng kết một cách chất lượng.
Thứ trưởng Ngô Thị Minh phát biểu tại Hội thảo. |
Ngày 10/11, tại Lào Cai, Thứ trưởng Ngô Thị Minh chủ trì Hội thảo đánh giá công tác huy động trẻ mẫu giáo, nâng chất lượng phổ cập giáo dục mầm non (PCGDMN) 5 tuổi.
Tham dự Hội thảo còn có đại diện lãnh đạo và chuyên viên các vụ: Giáo dục mầm non (GDMN), Cơ sở vật chất, Kế hoạch tài chính, Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý cơ sở giáo dục thuộc Bộ GD&ĐT. Hội thảo còn có sự tham gia của hơn 200 đại biểu đại diện Ban chỉ đạo phổ cập giáo dục, xóa mù chữ của 63 tỉnh, thành phố.
Tại hội thảo, bà Cù Thị Thuỷ, Phó Vụ trưởng Vụ GDMN cho biết: Giai đoạn 2015 - 2023, Bộ GD&ĐT phối hợp với các Bộ, ngành, các cơ quan, đơn vị liên quan tham mưu ban hành nhiều văn bản quan trọng để phát triển GDMN. Cùng với đó, tham mưu ban hành nhiều Nghị quyết, Nghị định để bổ sung hành lang, cơ sở pháp lý giúp địa phương xây dựng kế hoạch triển khai, ban hành các chính sách của địa phương đầu tư tài chính, cơ sở vật chất, đội ngũ.
Nhờ đó, mạng lưới trường lớp mầm non tiếp tục được củng cố, mở rộng và phân bổ đến hầu hết các địa bàn dân cư để đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu đưa trẻ đến trường, nâng cao chất lượng chăm sóc giáo dục.
Đến năm 2023, toàn quốc có 3.224 trường mầm non dân lập, tư thục (tăng 52% so với năm 2015). Năm học 2022-2023, tỷ lệ huy động trẻ em mẫu giáo đến trường, lớp toàn quốc đạt 93,1%, tương ứng gần 4,3 triệu trẻ em mẫu giáo.
Ngành GD&ĐT đã có nhiều giải pháp đồng bộ về bảo đảm điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ và đổi mới. Từ đó, hoàn thiện Chương trình GDMN hướng tới phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của trẻ. Công tác kiểm định chất lượng và xây dựng trường mầm non đạt chuẩn quốc gia được thực hiện có hiệu quả.
Tại Hội thảo, đại diện các tỉnh, thành phố đã đánh giá kết quả công tác huy động trẻ em mẫu giáo và công tác hỗ trợ nâng cao chất lượng PCGDMN cho trẻ em 5 tuổi trên địa bàn. Đồng thời, đưa ra những khó khăn, kiến nghị, giải pháp để huy động trẻ, nâng cao chất lượng PCGDMN.
Phát biểu kết luận Hội thảo, Thứ trưởng Ngô Thị Minh đề nghị chú trọng tới công tác truyền thông trong việc thực hiện PCGDMN trẻ 3, 4 tuổi.
“Truyền thông phải đi trước một bước. Thông qua các cuộc tiếp xúc cử tri của Đại biểu Quốc hội, phải cho thấy được áp lực của giáo viên, khó khăn, vướng mắc trong toàn ngành. Cùng với đó, đẩy mạnh truyền thông, kịp thời động viên, chia sẻ để thầy cô tiếp tục gắn bó với nghề” – Thứ trưởng Ngô Thị Minh nhấn mạnh.
Tuần qua, Tổ chức Quacquarelli Symonds (QS) ngày 8/11 công bố bảng xếp hạng đại học châu Á năm 2024 với 857 trường. Việt Nam có 15 đại diện.
Trường Đại học Duy Tân có thứ hạng cao nhất - 115, tăng 30 bậc so với năm ngoái. Top 200 còn có trường Đại học Tôn Đức Thắng (hạng 138) và Đại học Quốc gia Hà Nội (hạng 187). Đại học Quốc gia TP HCM ở vị trí 220.
Có 4 trường lần đầu góp mặt gồm Đại học Nguyễn Tất Thành, Sư phạm Kỹ thuật TP HCM, Giao thông vận tải và Văn Lang. Trong số này, trường Đại học Nguyễn Tất Thành được xếp vào nhóm 291-300, ba trường còn lại lần lượt trong nhóm 401-450, 651-700, 701-750.