Hàng loạt địa phương khác cũng hoàn tất kỳ thi vào lớp 10 trong tuần qua như: Cần Thơ, Hải Phòng, Đà Nẵng, Bắc Ninh, Bình Định, Thái Bình, Thanh Hóa, Đắk Lắk, Sơn La, Lai Châu, Thừa Thiên Huế, Ninh Thuận, Khánh Hòa, Tiền Giang, Quảng Nam, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, Nam Định, Bắc Giang, Thái Nguyên...
Tại Hà Nội, sáng 11/6, thí sinh đã hoàn thành bài thi môn Toán, môn thi cuối cùng của kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm 2023. Theo thông tin từ Ban chỉ đạo thi và tuyển sinh năm học 2023-2024 thành phố Hà Nội, trong buổi thi môn Toán sáng 11/6/2023, các điểm thi trên địa bàn Thành phố diễn ra an toàn, nghiêm túc, thực hiện đúng quy chế thi. Có 1 thí sinh vi phạm Quy chế thi do mang điện thoại vào phòng thi.
Nhìn chung, công tác tổ chức kỳ thi, kỷ cương trường thi được giữ vững, các thành viên tại các điểm thi đều thực hiện đúng quy chế thi. Các điểm thi đều nỗ lực hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh tham dự kỳ thi.
Tại TP. Hồ Chí Minh, trong kỳ thi vào lớp 10 năm nay có ý kiến cho rằng, nội dung bài 5 trong đề thi môn Toán có sai sót về kiến thức vật lí. Sở GD&ĐT TP.Hồ Chí Minh đã có phản hồi về phản ánh này.
Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng kiểm tra địa điểm dự kiến sẽ tổ chức chấm thi tự luận tại Trường THPT Bạc Liêu. |
Tuần qua, các đoàn công tác của Ban Chỉ đạo quốc gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT đã làm việc trực tiếp tại một số địa phương về công tác chuẩn bị Kỳ thi.
Theo đó, Đoàn công tác số 1 của Ban Chỉ đạo do Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 làm trưởng đoàn đã làm việc tại Bạc Liêu, Cà Mau.
Đoàn công tác số 3 của Ban Chỉ đạo do Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh làm trưởng đoàn đã làm việc với các tỉnh: Gia Lai, Kon Tum, Bình Thuận, Ninh Thuận.
Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng đề nghị địa phương tiếp tục quan tâm tới công tác nâng cao nhận thức về kỳ thi; làm tốt công tác tập huấn; chuẩn bị tốt nhất các điều kiện về cơ sở vật chất và nhân lực; mọi công đoạn của kỳ thi đều phải được kiểm tra, thanh tra, giám sát.
Thứ trưởng cũng yêu cầu tiếp tục làm tốt công tác ôn tập cho học sinh, quan tâm tới những học sinh có hoàn cảnh khó khăn, xa xôi, tạo điều kiện tốt nhất để các em đến được trường thi; có phương án khắc phục bão lũ, thiên tai…
Địa phương thực hiện đầy đủ 4 đúng - 3 không trong tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT. 4 đúng là: Đúng quy chế và hướng dẫn thi; đúng/đủ quy trình; đúng vị trí, chức trách nhiệm vụ; đúng thời điểm, kịp thời xử lý tình huống bất thường. 3 không là: Không lơ là, chủ quan (biết rồi, hiểu rồi); không tự ý xử lý tình huống bất thường; không căng thẳng, áp lực thái quá.
Thứ trưởng Ngô Thị Minh cùng Đoàn công tác số 3 kiểm tra cơ sở vật chất tại điểm thi Trường THPT Phan Bội Châu, Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai. |
Làm việc với địa phương, Thứ trưởng Ngô Thị Minh lưu ý công tác tập huấn cho đội ngũ cán bộ làm công tác thi, đảm bảo tất cả lực lượng tham gia vào các khâu của Kỳ thi được tập huấn, nắm chắc Quy chế. Việc tập huấn cần đảm bảo chất lượng, có sự tương tác, kiểm tra sự nắm bắt của người tham gia tập huấn. Thí sinh tham gia thi cũng cần phải được phổ biến Quy chế thi một cách kỹ lưỡng, từ đó các em thấy được trách nhiệm và chủ động không vi phạm Quy chế thi.
Công tác an ninh, an toàn cho kỳ thi được Thứ trưởng Ngô Thị Minh hết sức lưu ý. Trong đó, cần phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ban, ngành về đảm bảo an toàn sức khoẻ cho học sinh, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, an toàn phòng chống cháy nổ… “Không để xảy ra tình trạng chủ quan, lơ là ở bất kỳ một khâu nào trong quá trình tổ chức kỳ thi”, Thứ trưởng nhấn mạnh, đồng thời cũng đề nghị tỉnh quan tâm tới công tác truyền thông về Kỳ thi.