Với những lợi thế hiện có, Bộ trưởng mong muốn Trường Tiểu học-THCS-THPT Nguyễn Siêu phát huy hết sức có thể; trong triển khai có đánh giá từng chặng, từng nội dung, vấn đề. Một số nội dung làm tốt như: dạy học tích hợp, nên phát huy, lan tỏa kinh nghiệm cho các đơn vị khác…
Bộ trưởng cũng lưu ý cần làm tốt hơn công tác “phụ huynh vận”, huy động được sự chia sẻ của phụ huynh nhiều hơn nữa. “Phụ huynh đồng hành được thì giá trị gia tăng của đổi mới sẽ mạnh mẽ hơn”, Bộ trưởng chia sẻ.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn (bên trái) trao đổi tại chương trình Tọa đàm. |
Chiều 13/2, Bộ GD&ĐT tổ chức Tọa đàm “ChatGPT, Trí tuệ nhân tạo - Lợi ích và thách thức đối với giáo dục”. Phát biểu tại Tọa đàm, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nhìn nhận, với sự xuất hiện của trí tuệ nhân tạo, ChatGPT, vai trò người thầy sẽ thay đổi. Vấn đề đặt ra là, thay đổi như thế nào để không chỉ là thích ứng mà còn đón đầu và còn để phát huy những lợi thế của công nghệ.
Người học sẽ phải thay đổi như thế nào và chính sách của Nhà nước sẽ phải thay đổi, điều chỉnh như thế nào để chúng ta tận dụng được những lợi thế và giảm thiểu những tác động tiêu cực, những mặt trái của công nghệ mang lại.
Bộ GD&ĐT sẽ có những nghiên cứu thấu đáo, để từng bước rà soát và có những điều chỉnh về chính sách trong thời gian tới. Buổi tọa đàm đã và đang nhận được sự quan tâm lớn. Chắc chắn chủ đề này sẽ còn tiếp tục và từng bước giúp chúng ta nhận thức đúng đắn hơn về công nghệ. Từ đó, có những giải pháp định hướng phù hợp trong thời gian tới.
Không có chính sách nào bắt kịp tương lai lâu dài. Song trước hết, chúng ta cần bắt đầu thay đổi nhận thức, cách nhìn nhận những công nghệ này và cách đón nhận nó. Chúng ta không quá hào hứng nhưng cũng không quá lo ngại, hay hoảng sợ.
Theo Thứ trưởng, cách tốt nhất để hiểu nó chính là dùng nó. Khi hiểu, chúng ta cùng thảo luận. Chúng ta nói, cách học tốt nhất là dùng và thảo luận, cũng như học hỏi ChatGPT làm.
Thứ trưởng mong rằng, ở các nhà trường, các tổ chức, sau khi dùng, trải nghiệm sẽ tiếp tục thảo luận, làm rõ hơn lợi ích mà ChatGPT mang lại. Đồng thời, cần nhìn nhận tương lai phát triển của ChatGPT, cũng như những công nghệ khác cũng sẽ mang đến cho chúng ta. Từ đó, các cơ quan quản lý Nhà nước, Bộ GD&ĐT và các cấp ban ngành khác sẽ có những chính sách lâu dài và kịp thời.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ phát biểu khai mạc Hội nghị. |
“STEM cũng phải làm theo lộ trình, làm ít, thí điểm trước, làm chắc với quan điểm, chọn đúng người, giao đúng việc, có kiểm tra, giám sát, giao việc gắn với giao trách nhiệm”, Thứ trưởng trao đổi.
Sáng 17/2, tại TP Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk), Bộ GD&ĐT tổ chức Hội nghị tổng kết thí điểm triển khai giáo dục STEM cấp tiểu học theo Chương trình GDPT 2018. Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ giao 3 nhiệm vụ triển khai trong thời gian tới:
Thứ nhất, tiếp tục nâng cao nhận thức của cán bộ quản lý, giáo viên và tuyên truyền cho học sinh, gia đình về vai trò, ý nghĩa của giáo dục STEM.
Thứ hai, hoàn thành trang web chứa kho dữ liệu bài giảng chuẩn hoá để giáo viên tham khảo.
Thứ ba, tập huấn đầy đủ các nội dung về giáo dục STEM cho tất cả cán bộ quản lý, giáo viên.
Thứ trưởng cũng gợi ý, Vụ Giáo dục tiểu học cần nghiên cứu triển khai cho cả 63 tỉnh thành, mỗi tỉnh chọn khoảng 5 phòng GD&ĐT để làm thí điểm. Đối với các tỉnh đã thí điểm thì có thể triển khai diện rộng nhưng phải bảo đảm thực hiện là phải thành công.
Tuần qua, các trường đại học tiếp tục công bố phương án tuyển sinh năm 2023. Trong đó, một số trường đã thông báo tiếp nhận hồ sơ xét tuyển theo phương thức học bạ và kỳ thi riêng. Đáng chú ý, tính đến ngày 19/2, có 111 cơ sở giáo dục đại học thông báo xét tuyển bằng học bạ THPT để tuyển sinh năm 2023.
Viet Nam’s University Rankings (VNUR) - bảng xếp hạng các trường ĐH của Việt Nam - chính thức công bố tốp 100 trường ĐH trong nước năm 2023. Trong lần đầu công bố, vị trí số 1 thuộc về ĐH Quốc gia Hà Nội với 100 điểm. Tiếp đến là ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh với 95 điểm. Những cái tên tiếp theo trong top 10 là: Trường ĐH Tôn Đức Thắng (89,8 điểm), ĐH Bách khoa Hà Nội (86,9 điểm), Trường ĐH Duy Tân (79,7 điểm); Trường ĐH Kinh tế TPHCM (70,1 điểm), Trường ĐH Cần Thơ (69,2 điểm), Trường ĐH Sư phạm Hà Nội (68,2 điểm), ĐH Đà Nẵng (67,9 điểm), ĐH Huế (67,5 điểm). Bảng xếp hạng này ra đời sau hơn 2 năm nhóm nghiên cứu làm việc trong khuôn khổ hoạt động của một tổ chức phi lợi nhuận.