Theo PGS.TS Huỳnh Văn Chương, kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia THPT được tổ chức với mục tiêu động viên, khuyến khích người dạy và người học phát huy năng lực sáng tạo, dạy giỏi, học giỏi. Cùng với đó, góp phần cải tiến, nâng cao chất lượng dạy và học hướng đến năng lực, phẩm chất và chất lượng công tác quản lý. Kỳ thi đồng thời phát hiện người học có năng khiếu để tạo nguồn bồi dưỡng, thực hiện mục tiêu học thật, thi thật, chọn được nhân tài thật.
Kỳ thi nhằm phát hiện người học có năng khiếu về môn học cụ thể, song cũng là sân chơi với những kiến thức bổ ích, gắn với thực tế. Học sinh có thể bày tỏ quan điểm cá nhân về những vấn đề trong chính đời sống xã hội, giúp các em phát triển toàn diện trong tương lai.
|
Trong số các địa phương công tác phương án thi vào lớp 10 trong tuần qua, việc Hà Nội chính thức "chốt" 3 môn thi nhận được nhiều nhất sự quan tâm của dư luận.
Cụ thể, kỳ thi được tổ chức theo hình thức thi tuyển vào 2 ngày 10 và 11/6/2023. Thí sinh tham dự kỳ thi phải làm 3 bài thi độc lập: Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ.
Nhìn chung các ý kiến nhận định: Việc thành phố quyết định thi 3 môn sẽ tạo thuận lợi cho giáo viên, học sinh. Mặc dù còn nhiều ý kiến ủng hộ việc thi môn thứ 4 nhưng xét tổng thể bối cảnh chung, cộng lý do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 cũng như đòi hỏi của Chương trình GDPT mới, việc thi 3 môn là phù hợp.
|
Tuần qua, thông tin về phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 cũng được dư luận hết sức quan tâm. Mong chờ phương án từ Bộ GD&ĐT, các chuyên gia, nhà giáo cũng bày tỏ những mong muốn đối với kỳ thi này.
PGS.TS Chu Cẩm Thơ, Trưởng ban Nghiên cứu đánh giá giáo dục, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam cho rằng, sự thay đổi của kỳ thi nên hướng tới: Đánh giá HS tốt nghiệp THPT bảo đảm tính xác thực, toàn diện yêu cầu cần đạt về phẩm chất và năng lực, gắn kết quá trình học tập và thi cuối cấp học theo Chương trình GDPT 2018. Kỳ thi phải góp phần nâng cao chất lượng dạy và học, tăng độ tin cậy vào quá trình học tập. Tổ chức kỳ thi cần khoa học, linh hoạt để ứng dụng được những tiến bộ của thời đại như công nghệ thông tin, chuẩn hóa câu hỏi, đề thi… phù hợp với điều kiện học tập, sinh sống của HS.
Ông Nguyễn Tân, Giám đốc Sở GD&ĐT Thừa Thiên - Huế nhận định: Chương trình GDPT 2018 quy định 8 môn học, hoạt động giáo dục bắt buộc và 9 môn học lựa chọn. Trong các môn học bắt buộc có 4 môn đánh giá bằng điểm số là Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1 và Lịch sử. Với môn lựa chọn, học sinh chọn 4 trong số 9 môn: Địa lí, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Công nghệ, Tin học, Âm nhạc, Mĩ thuật. Để phù hợp với quy định này, việc thi 4 môn bắt buộc (Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ và Lịch sử) và thêm môn thí sinh tự chọn phù hợp với lựa chọn môn học và định hướng nghề nghiệp.
Đặc biệt, nhiều ý kiến mong muốn Kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 được tổ chức bảo đảm chất lượng, đánh giá được quá trình 12 năm học phổ thông của học sinh và các trường đại học vẫn tin tưởng sử dụng kết quả kỳ thi để xét tuyển đầu vào. Điều này sẽ giảm áp lực cho cả học sinh, nhà trường khi phải tham gia nhiều kỳ thi riêng để được xét vào đại học.