Nóng trong tuần: Kiểm soát vi phạm dạy học thêm, tìm giải pháp cho GD Đại học

27/11/2023, 09:50
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Những ý kiến xung quanh việc dạy - học thêm; phái đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị Giáo dục Toàn cầu là hoạt động giáo dục đáng chú ý tuần qua.

Lo ngại dạy - học thêm ngoài nhà trường

Làm thế nào kiểm soát được những vi phạm về dạy thêm, học thêm, đặc biệt với dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường - là vấn đề giáo dục được quan tâm trong tuần qua.

Tại buổi thảo luận ở hội trường Quốc hội về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, đại biểu Nguyễn Văn Huy (đoàn đại biểu Thái Bình) phản ánh tình trạng dạy thêm trái quy định có chiều hướng gia tăng, gây bức xúc cho nhân dân, tạo áp lực lớn cho học sinh, nhất là học sinh tiểu học.

Đại biểu Nguyễn Văn Huy nêu rõ, vấn đề cử tri và nhân dân mong muốn là quy định và tổ chức thực hiện việc dạy thêm học thêm như thế nào cho lành mạnh và đúng quỹ đạo. Đại biểu cũng kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm tham mưu trình để cơ quan có thẩm quyền quyết định đưa dạy thêm, học thêm vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đã đồng tình với ý kiến của đại biểu Nguyễn Văn Huy, cần phải đưa việc dạy thêm, học thêm vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện để có cơ sở pháp lý xử lý bên ngoài trường học.

Theo Bộ trưởng, Bộ GD&ĐT đã có nhiều văn bản quy định; đặc biệt là có Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT ngày 16/5/2012 của Bộ GD&ĐT “Ban hành quy định về dạy thêm, học thêm”.

Ngoài ra, còn có các quy định về đạo đức của nhà giáo, trong quy tắc ứng xử của trường học, văn hóa học đường, thi hành công vụ của nhà giáo… cũng đã rất đầy đủ các quy định với hoạt động dạy thêm, học thêm trong môi trường nhà trường.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, đối với môi trường ngoài nhà trường còn đang thiếu một cơ sở pháp lý để có thể quản lý, điều tiết, giám sát, xử lý đối với công việc này.

Trong quá trình sửa Luật Đầu tư, Bộ GD&ĐT đã gửi Văn bản số 134 cho Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Văn bản số 2026 gửi Thủ tướng Chính phủ vào năm 2020 đề nghị bổ sung việc dạy thêm, học thêm vào danh mục các ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Song, không rõ lý do tại sao từ năm 2020-2021, việc này không được chấp thuận.

Với 53.000 trường học và những gì diễn ra trong môi trường ngoài nhà trường, Bộ trưởng cho biết: Bộ GD&ĐT cũng mong chính quyền địa phương trên địa bàn của mình phối hợp với Bộ để có thể kiểm soát việc này.

Nếu nằm ngoài nhà trường, Bộ GD&ĐT sẽ khó để kiểm soát xung quanh địa bàn của 53.000 trường học ở trong cả nước. “Chúng tôi sẽ quan tâm đến việc kiểm tra, giám sát trong môi trường theo ngành dọc của ngành” – Bộ trưởng nhấn mạnh.

Trong môi trường bên trong trường học, Bộ trưởng mong muốn phụ huynh phối hợp với nhà trường, ngành giáo dục; bởi vì một trong những vấn đề dẫn tới việc dạy thêm, học thêm phát xuất từ nhu cầu của phụ huynh.

Liên quan đến vấn đề này, Sở GD&ĐT tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu có văn bản về việc nghiêm cấm dạy thêm, học thêm đối với học sinh tiểu học. Giáo viên có bản cam kết với lãnh đạo nhà trường về việc tuân thủ nghiêm túc không tổ chức dạy thêm theo chỉ đạo của cấp trên. Nếu giáo viên của cơ sở giáo dục vi phạm về dạy thêm, học thêm thì hiệu trưởng nhà trường chịu trách nhiệm.

Phái đoàn giáo dục ĐH Việt Nam dự Hội nghị Giáo dục Toàn cầu Going Global

Từ ngày 20-22/11, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn dẫn đầu phái đoàn giáo dục ĐH Việt Nam tham dự Hội nghị Giáo dục Toàn cầu Going Global tại Edinburgh và gặp gỡ các quan chức Chính phủ, các trường ĐH Vương quốc Anh để thúc đẩy các hoạt động giáo dục ĐH song phương.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn chứng kiến trao MOU của ĐH Bách khoa Hà Nội và đối tác Vương quốc Anh tại Diễn đàn Hiệu trưởng ĐH Việt Nam - Vương quốc Anh.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn chứng kiến trao MOU của ĐH Bách khoa Hà Nội và đối tác Vương quốc Anh tại Diễn đàn Hiệu trưởng ĐH Việt Nam - Vương quốc Anh.

Hội nghị Giáo dục Toàn cầu Going Global được tổ chức bởi Hội đồng Anh. Đây là sự kiện được tổ chức thường niên, mang đến cơ hội cho các nhà lãnh đạo giáo dục quốc tế kết nối, chia sẻ kiến thức, tìm giải pháp cho các vấn đề toàn cầu và thúc đẩy tương lai của giáo dục ĐH và giáo dục nâng cao.

Hội nghị năm nay bao gồm các phiên họp xoay quanh chủ đề “Hướng tới quan hệ đối tác bền vững, phát triển và công bằng trong giáo dục ĐH”, với mục đích nhằm định hình tương lai của giáo dục ĐH và giáo dục nâng cao; cung cấp diễn đàn chiến lược cho các nhà lãnh đạo giáo dục quốc tế để kết nối và chia sẻ những đánh giá mới nhất về những vấn đề quan trọng nhất trong giáo dục quốc tế.

Trao đổi tại Hội nghị, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh tới sự phát triển của công nghệ, cơ hội mang giáo dục tới cộng đồng và tạo tiếp cận với tri thức xuyên quốc gia ngày càng tăng. Theo đó, sự cam kết chia sẻ tri thức và tạo tiếp cận tới nguồn lực và tài liệu học tập là cần thiết.

Thứ trưởng cũng giới thiệu mô hình trường Đại học số với sự tham gia chia sẻ nguồn lực không giới hạn và tạo nhiều cơ hội cho những người học ở các khu vực khó tiếp cận, qua đó tăng cơ hội mở rộng tiếp cận giáo dục, bao trùm và bền vững.

Nóng trong tuần: Kiểm soát vi phạm dạy học thêm, tìm giải pháp cho GD Đại học ảnh 2
Phái đoàn Việt Nam dự Hội nghị Giáo dục Toàn cầu Going Global.

Các thảo luận tại Hội nghị Giáo dục Toàn cầu Going Global xoay quanh việc làm thế nào để ngành giáo dục có thể giải quyết tốt hơn các thách thức ở quốc gia cũng như toàn cầu, đồng thời giúp trao quyền cho các nhóm kinh tế xã hội thấp, phụ nữ, học viên là người khuyết tật và sinh viên từ các nhóm hoặc cộng đồng dân tộc được tiếp cận với giáo dục một cách công bằng và bền vững.

Năm 2023 đánh dấu 50 năm quan hệ ngoại giao Vương quốc Anh - Việt Nam và 30 năm Hội đồng Anh tại Việt Nam. Việc phái đoàn giáo dục ĐH Việt Nam tham dự Hội nghị Giáo dục Toàn cầu Going Global sẽ tạo thêm cơ hội để tăng cường quan hệ đối tác giáo dục ĐH giữa Vương quốc Anh và Việt Nam cả về chiều rộng và chiều sâu, đồng thời tăng cường cơ hội hợp tác với các trường ĐH Vương quốc Anh, các ngành, lĩnh vực và các cơ quan chuyên môn trong giảng dạy, học tập và nghiên cứu.

Cũng tại Vương quốc Anh đã diễn ra Diễn đàn Hiệu trưởng ĐH Việt Nam - Vương quốc Anh do Bộ GD&ĐT Việt Nam và Hội đồng Anh đồng tổ chức. Diễn đàn thu hút sự tham gia của lãnh đạo 26 trường ĐH Vương quốc Anh và 36 lãnh đạo từ các trường ĐH Việt Nam.

Giáo dục vì sự phát triển bền vững

Ngày 24/11, Bộ GD&ĐT phối hợp với Văn phòng UNESCO tại Hà Nội tổ chức Hội thảo tham vấn các bên liên quan về “Sáng kiến Quốc gia Giáo dục về Phát triển Bền vững 2030”. Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc chủ trì hội thảo.

Tham dự hội thảo có bà Miki Nozawa, Trưởng phòng Giáo dục, UNESCO tại Hà Nội; đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường; các Vụ, Cục thuộc Bộ GD&ĐT; một số tổ chức phi chính phủ và các chuyên gia.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc phát biểu tại Hội thảo.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc phát biểu tại Hội thảo.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc nhấn mạnh tầm quan trọng của giáo dục vì sự phát triển bền vững và cho biết: Chính phủ Việt Nam đã có nhiều chính sách và hoạt động nhằm nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo.

Có thể kể đến: cải cách giáo dục phổ thông; đổi mới chương trình giảng dạy; xây dựng các trường đại học tiên tiến hướng đến chuẩn mực khu vực và thế giới; hỗ trợ giáo dục cho người nghèo, vùng núi, vùng sâu vùng xa; tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực giáo dục và khoa học công nghệ.

Theo báo cáo Giáo dục thế giới năm 2020 của UNESCO, Việt Nam là một trong những quốc gia có tiến bộ lớn nhất trong việc thực hiện mục tiêu giáo dục toàn cầu của Liên hợp quốc. Việt Nam cũng là một trong những quốc gia có kết quả cao nhất trong kỳ thi PISA 2018.

Tuy nhiên, để giáo dục thực sự trở thành động lực cho sự phát triển bền vững, chúng ta cần làm nhiều hơn thế. Nhằm thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị Quốc tế về giáo dục vì sự phát triển bền vững của UNESCO năm 2021, Bộ GD&ĐT đã thực hiện các bước để xây dựng sáng kiến quốc gia về giáo dục phát triển bền vững tới năm 2030, làm chiến lược bao trùm chung về giáo dục phát triển bền vững với mục đích tăng cường các nỗ lực hiện tại và thúc đẩy sự phối hợp, hướng tới tác động trên toàn quốc.

Đặc biệt, Thứ trưởng nhấn mạnh: phát triển bền vững không chỉ là phát triển kinh tế, xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái, mà còn phải đảm bảo những nhu cầu cơ bản của con người, trong đó phát triển vì sự hạnh phúc của loài người - đó là những điều nhân loại đang hướng tới và được đặt ra trong tương lai.

Trong giáo dục, vấn đề phát triển vì sự hạnh phúc rất quan trọng và cần phải giải quyết 3 vấn đề, đó là giải quyết mối quan hệ giữa người với người, giữa con người với thiên nhiên và mối quan hệ với chính mình. Vì thế, hiện nay, Bộ GD&ĐT đang thực hiện hiệu quả chương trình “Trường học hạnh phúc”.

Trong tuần Việt Nam đón nhận tin vui về thành tích học sinh giỏi quốc tế. Tại Kỳ thi Toán và Khoa học Quốc tế 2023 (IMSO 2023), Đoàn Việt Nam đã xuất sắc giành giải Nhất toàn đoàn với 24 huy chương gồm: 8 huy chương Vàng, 13 huy chương Bạc và 3 huy chương Đồng.

IMSO 2023 lần thứ 20 đã được tổ chức tại Indonesia bằng hình thức trực tuyến, phát sóng trực tiếp tại tất cả các quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia thi từ ngày 17-19/11.

Bài liên quan
Nóng trong tuần: Kế hoạch tuyển sinh ĐH, diễn đàn hiệu trưởng ĐH Việt-Nga
Ban hành kế hoạch tuyển sinh ĐH; Diễn đàn hiệu trưởng ĐH Việt-Nga; sôi nổi hoạt động ngày Sách và văn hóa đọc là hoạt động giáo dục nổi bật tuần qua.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nóng trong tuần: Kiểm soát vi phạm dạy học thêm, tìm giải pháp cho GD Đại học